Quảng Bình mưa to đến rất to ở nhiều khu vực, vùng núi bị chia cắt, cô lập
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra trong 2 ngày 24 - 25/9 đã gây thiệt hại về người và tài sản ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, 1 người chết (ông Trần Khương T., 59 tuổi, trú tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị) do bị sét đánh khi đang đánh bắt cá trên biển; 6 người bị thương (Thừa Thiên - Huế).
Về tài sản, 153 ngôi nhà bị tốc mái (Quảng Trị 69 nhà; Thừa Thiên - Huế 84 nhà).
Mưa lớn gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông tại các huyện của Quảng Bình gồm: Minh Hóa (14 điểm, trong đó một số điểm ngập sâu từ 0,4 - 2 m); Quảng Ninh (4 điểm); Tuyên Hóa (3 điểm); 3 điểm trên QL15 và 9B gây chia cắt 18 thôn bản thuộc các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh.
Ngoài ra, 2 cột điện trung thế ở Thừa Thiên - Huế bị gãy đổ; 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng (Quảng Trị).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ nay đến ngày 28/9, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200 - 400 mm, có nơi trên 450 mm.
Trong khi đó, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25-26/9, tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, khiến cho nhiều địa phương bị ngập lụt và chia cắt.
Theo đó, tại huyện Minh Hóa, đường vào xã Hóa Sơn (khu vực thôn Đa Năng xã Hóa Hợp) nước ngập sâu từ 0,7-1m, dài khoảng 15m; cầu từ bản Lương Năng đi thôn Thuận Hóa (xã Hóa Sơn) nước ngập sâu khoảng 1m nên người, phương tiện không qua lại được;
Các ngầm: Ka Ai, Ka Định, Ka Ốc, Hà Nông (xã Dân Hóa) nước lên cao từ 1-1,5m, người và phương tiện không qua lại được và hiện nay các bản đang bị chia cắt; ngầm Cô Pi, Pa Chong, Ra Mai, Cha Cáp, Lòm, Dộ Tà Vờng, Tà Cổ (xã Trọng Hóa) nước lên cao từ 0,5-1m, người và phương tiện không qua lại được; các tuyến đường vào thôn 4 và thôn 5 xã Tân Hóa bị chia cắt, nước ngập sâu trên 2m; cầu tràn xuống thôn Kim Bảng (xã Minh Hóa) bị ngập trên 1m.
Ngoài ra, tuyến đường vào thôn Tiến Hóa (xã Hồng Hóa) bị chia cắt, nước ngập sâu từ 1-1,2m; tuyến đường vào thôn 4 và thôn 5 bị chia cắt, nước ngập sâu từ 1-1,2m.
Tại huyện Tuyên Hóa, khu vực đường vào bản Hà (xã Thanh Hóa) nước ngập khoảng 0,3m; cầu tràn (cầu Khe Nung) đường đi vào xã Thanh Hóa bị ngập 60-70cm; đường thôn 4 Thanh Lạng đi đường mòn Hồ Chí Minh ngập 60cm; cầu cột 4, cầu Thanh Thạch bị ngập; ngập 3 nhà dân dưới 1m; các trường học trên địa bàn xã Thanh Hóa nghỉ học do bị chia cắt…
Tại huyện Quảng Ninh 4 bản thuộc xã Trường Sơn, gồm: Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn bị chia cắt.
Trên quốc lộ 15, ngầm khe Đèng Km465+091 ngập khoảng 1-2m; khe Mương Km464+915 ngập khoảng 0,3-0,5m, tắc đường; tại vị trí Km562+200 bị ngập khoảng 0,3-0,5m, tắc đường; quốc lộ 9B, tại vị trí ngầm tràn Km43+700 bị ngập khoảng 0,2-0,3m; đường tỉnh 599B tại cầu tràn Thanh Long tại Km46+909 ngập 0,6m, tắc đường; đường tỉnh 558C tại km5+100 sạt lở taluy dương, tắc đường.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện lũ thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) tại Đồng Tâm đã đạt đỉnh 13,36m, trên báo động (BĐ) 2 0,36m và đang xuống.
Hiện nay, lũ hạ lưu sông Gianh đang lên. Mực nước lúc 7h/26/9/2023, trên sông Gianh tại Đồng Tâm 12,93m, dưới báo động (BĐ)2 0,07m; tại Mai Hóa 3,99m, trên BĐ1 0,99m. Các sông Hà Tĩnh đang lên và còn ở dưới mức BĐ1.
Trong 6-12 giờ tới, lũ hạ lưu sông Gianh tiếp tục lên. Trưa nay 26/9, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa đạt đỉnh ở mức 5,2m trên BĐ2 0,2m. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Gianh xuống dần.
Từ nay ngày 26/9 đến ngày 28/9, trên các sông ở Nghệ An đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 2,0-4,0m, tại hạ lưu từ 1,5-3,0m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng nguồn sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu dưới BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.