Quảng Bình khẩn trương tổng kết Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong tháng 12
Ngày 9/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 19 để thảo luận và thống nhất ban hành các nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Tại phiên khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang đã phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở địa phương.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, năm 2024, trong bối cảnh tình hình phức tạp của thế giới và trong nước, nền kinh tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài... Song, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền, sự giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình tiếp tục có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
GRDP của tỉnh tăng 7,18%. Cả 3 khu vực của nền kinh tế đều có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; xây dựng nông thôn mới có nhiều điểm sáng; ngành công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; ngành du lịch, dịch vụ có sự phục hồi và phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thu ngân sách nhà nước vượt 14% so dự toán địa phương.
Các cấp, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, nhất là các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu giải ngân đầu tư công hoàn thành kế hoạch đề ra.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2024 giảm 0,84%.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Ngọc Quang cũng thẳng thẳn chỉ rõ những tồn, tại, hạn chế trong sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, vấn đề mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh vẫn đang là hạn chế rất lớn trong nhiều năm qua, thiếu giải pháp thật căn cơ để xoay chuyển tình hình.
Nguồn thu ngân sách của tỉnh thiếu tính bền vững. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp, logistics, du lịch, bất động sản,... chậm tiến độ, còn vướng mắc chưa được tháo gỡ, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của tỉnh, còn mang nặng tính mùa vụ.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang lưu ý, nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2025 phải khơi thông được các nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề để tỉnh nhà vươn mình phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm rất quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng chí Lê Ngọc Quang nêu rõ, đây là vấn đề rất khó, bởi khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm rất quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là vấn đề rất khó, bởi khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang
“Với Quảng Bình, trong tháng 12/2024 chúng ta phải tiến hành tổng kết xong Nghị quyết số 18/NQ-TW khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để trình Trung ương”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nói.
Chính vì vậy, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải đặt quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất để tỉnh ta thực hiện thành công cuộc cách mạng này, tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh.