Quảng Bình kết nối, lan tỏa giá trị sản phẩm đặc trưng
Quảng Bình tổ chức hoạt động kết nối cung cầu nhằm góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng hợp tác, phát triển sản phẩm.
Nâng cao năng lực kết nối cung cầu
Ngày 26/4, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với ứng dụng chuyển đổi số - Quảng Bình năm 2025”. Hội nghị là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của tỉnh Quảng Bình chào mừng “Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025) và Tuần Văn hóa - Du lịch thành phố Đồng Hới năm 2025.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình tìm hiều thông tin sản phẩm
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh, thành phố kết nối với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử. Đồng thời là dịp để giao lưu, gặp gỡ các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối và khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và định hướng xuất khẩu.
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: “Thông qua hội nghị này của các khách mời và giao lưu, kết nối của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình với các tỉnh, thành phố tại khu trưng bày sản phẩm, chúng ta sẽ tìm hiểu được nhu cầu tiêu thụ, trao đổi mua bán, khai thác được các sản phẩm hàng hóa có lợi thế, đặc trưng từ các địa phương để đi đến ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, tiến tới ký kết các hợp đồng thương mại, trao đổi các đơn hàng, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”.
Cơ hội để doanh nghiệp phát triển
Ông Lê Thanh Triển - Giám đốc HTX đũa gỗ Quảng Thủy chia sẻ: “Tham gia chương trình kết nối sản phẩm lần này, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và hào hứng. Đây là cơ hội quý báu để doanh nghiệp tiếp cận với các đối tác tiềm năng, quảng bá sản phẩm đặc trưng của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Qua hoạt động này, chúng tôi không chỉ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị bạn mà còn mở rộng được thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và khẳng định vị thế trên thị trường.”

Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị tìm hiểu kết nối sản phẩm
Anh Nguyễn Thiện Linh (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Là một khách hàng, tôi rất ấn tượng với chương trình kết nối sản phẩm lần này. Không chỉ được trực tiếp trải nghiệm, dùng thử các mặt hàng đặc sản địa phương mà tôi còn hiểu thêm về quy trình sản xuất, câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm. Đây là dịp rất ý nghĩa để người tiêu dùng như tôi tin tưởng và ủng hộ hàng Việt, đặc biệt là những sản phẩm chất lượng đến từ Quảng Bình.”
Theo ông Phan Hoài Nam, những Hội nghị như thế này là dịp để các doanh nghiệp trao đổi thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả nhất để hỗ trợ mở rộng các kênh phân phối, tìm đầu ra ổn định và bền vững cho các sản phẩm, kết nối đan xen các kênh phân phối truyền thống vào các kênh tiêu thụ hiện đại trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4.0.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện nhiều hợp tác xã trong cả nước như: Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bến Tre, Kiên Giang…