Quảng Bình cấm biển, đóng cửa sân bay, sẵn sàng di dời dân tránh bão

Ứng phó với bão số 6 đang tiến gần đất liền, tỉnh Quảng Bình sẵn sàng phương án di dời 29.000 hộ dân; đồng thời lên phương án di dời hơn 18.900 hộ dân khi lũ trên báo động 3 và 856 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 167 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư và sạt lở bờ sông, biển. Trong đó 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với gần 12.400 người ở 151 xã, phường, thị trấn để ứng phó với bão số 6.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã lập danh sách các Tổ, đội ứng cứu nhanh tại các thôn với 10 - 12 thành viên.

Các địa phương cũng chủ động thông báo thông tin, số điện thoại của Tổ xung kích.

Bộ Chỉ huy Quân sự đã báo động, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão. Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn; đồng thời điều động phương tiện, vật tư như: áo phao, lương thực, thực phẩm, nước uống...

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Gianh (huyện Bố Trạch). Ảnh: Báo Quảng Bình

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Gianh (huyện Bố Trạch). Ảnh: Báo Quảng Bình

Bộ đội Biên phòng huy động hơn 600 cán bộ, chiến sỹ tham gia trực và sẵn sàng cơ động ứng phó với bão số 6; bố trí cán bộ, chiến sỹ trực tại các địa bàn trọng điểm miền núi, ven biển vùng xung yếu. Các đồn biên phòng cơ động ứng phó với mọi tình huống, hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Chiều 26/10, Cảng Hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) cũng thông báo tạm dừng khai thác từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 27/10; hủy 3 chuyến bay (1 chuyến Hà Nội, 2 chuyến Thành phố Hồ Chí Minh) trong ngày 27/10 và đổi giờ chuyến bay đi Thành phố Hồ Chí Minh từ 18 giờ sang 22 giờ 35 phút cùng ngày.

Địa phương cũng cấm biển kể từ 0 giờ ngày 27/10 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi trong thời gian nêu trên.

Các đơn vị, địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; chủ động sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ cao như: đồi Phòng không xã Đức Hóa; sạt lở thôn 5, thị trấn Quy Đạt; thôn Rục xã Hồng Hóa…

Mặt khác cần chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò; tuyệt đối không để người dân đánh bắt cá, vớt củi trên các sông suối...

P.V

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/quang-binh-cam-bien-dong-cua-san-bay-san-sang-di-doi-dan-vung-bi-anh-huong-bao_169101.html
Zalo