Quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối, xúc tiến thương mại, nhiều loại nông sản của huyện Sơn Hà đã có chỗ đứng bền vững trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Thời gian qua, Sơn Hà đã đưa sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện đến với người tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện... được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, tại các hoạt động như Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca, Đại hội dân tộc thiểu số huyện... Sơn Hà đã lồng ghép trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương, cũng như các sản phẩm đặc trưng của từng xã, thị trấn. Qua đó, giúp các chủ thể có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong cách sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, mở ra cơ hội giao thương, buôn bán, thúc đẩy phát triển thị trường.

Thông qua các hoạt động quảng bá, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Sơn Hà có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thông qua các hoạt động quảng bá, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Sơn Hà có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, huyện Sơn Hà có 9 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao. Trong đó, có 6 sản phẩm OCOP còn hiệu lực gồm: Khổ qua rừng sấy khô, ớt xiêm rừng ngâm giấm của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà; sản phẩm thịt bò khô Nghĩa Ân, ở thị trấn Di Lăng; chuối hột rừng sấy khô của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy; thịt heo ky Khương Đình, ở xã Sơn Trung; thịt muối Bé Đen, ở thị trấn Di Lăng. Riêng các sản phẩm gồm: Gà đen S, gà kiến Sơn Hà, mắm cá niên của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã hết hạn, dự kiến sẽ đăng ký lại trong năm 2024.

Tuy mới có mặt trên thị trường vào đầu năm 2024, nhưng sản phẩm dầu phụng của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông lâm nghiệp Sơn Linh đã được nhiều người biết đến. Hiện HTX đã xuất bán hơn 1.000 lít dầu phụng ra thị trường. Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Sơn Linh Nguyễn Tuyên chia sẻ, có được kết quả trên là nhờ các cấp, ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho HTX tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Thực tế, sản phẩm dầu phụng nguyên chất không còn xa lạ với người tiêu dùng, tuy nhiên, vì được ép trong lò hơi nên dầu phụng của HTX có màu vàng trong chứ không đục như ép bộng. Hiện tại, HTX nhận được nhiều đơn hàng ở TP.Quảng Ngãi và khách hàng ngoài tỉnh.

Cùng với sản phẩm dầu phụng, nhiều sản phẩm đặc trưng của núi rừng Sơn Hà đã được người tiêu dùng biết đến thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu, các hội chợ. “Trước đây, sản phẩm mình làm ra chỉ để ăn hoặc bán cho người dân địa phương nên chưa chú ý đến hình thức. Thế nhưng, khi tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP, tôi đã học hỏi được nhiều điều. Đó là, bên cạnh chất lượng thì hình thức sản phẩm cũng rất quan trọng, giúp thu hút người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thị Nghĩa Ân, chủ hộ kinh doanh thịt bò khô Nghĩa Ân, ở thị trấn Di Lăng, bày tỏ.

Bên cạnh các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP, huyện Sơn Hà đã tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đăng ký, làm hồ sơ tham gia dự thi, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, trong năm 2024, trên địa bàn huyện có 6 sản phẩm OCOP dự kiến công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt 3 sao gồm: Rượu nếp Vinh Duyên, dê núi Khương Đình, ớt xiêm rừng Sơn Hà, muối ớt xiêm rừng, ổi sạch Ngọc Lan, dầu phụng Sơn Hà.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà Đinh Văn Chi cho biết, thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện được nhiều người biết đến và tin dùng, giúp doanh số bán hàng tăng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng giúp thúc đẩy sản xuất, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nâng tầm sản phẩm

Ớt xiêm rừng Sơn Hà được phát triển thành các sản phẩm như ớt xiêm rừng ngâm giấm, muối ớt xiêm, nước chấm ớt xiêm. Từ năm 2018, những sản phẩm này đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh đặc sản, mang về doanh thu tiền tỷ cho HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà trong những năm qua.

Các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của huyện Sơn Hà được trưng bày tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).

Các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của huyện Sơn Hà được trưng bày tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).

Chị Đinh Thị Nga, thành viên HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà bày tỏ, tôi rất vui vì sản phẩm ớt xiêm rừng ngâm giấm Sơn Hà được công nhận OCOP 3 sao. Là người trực tiếp chế biến ra sản phẩm này, nên tôi luôn nỗ lực để ớt xiêm Sơn Hà ngày càng nâng cao chất lượng. Tôi nhận thức được rằng, muốn sản phẩm đứng vững trên thị trường thì phải có thương hiệu. Và việc giữ được thương hiệu lại càng khó hơn. Vì vậy, không thể hài lòng với những thành quả đã đạt được, mà phải luôn sáng tạo, đổi mới.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa, HTX đang tập trung thực hiện nhiều phần việc để trong năm 2024 sẽ đưa sản phẩm ớt xiêm Sơn Hà được công nhận OCOP 4 sao. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường.

Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các chủ thể đã chủ động tăng cường liên kết, gắn kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu.

Sản phẩm ớt xiêm rừng ngâm giấm Sơn Hà.

Sản phẩm ớt xiêm rừng ngâm giấm Sơn Hà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP ở huyện Sơn Hà vẫn còn gặp những khó khăn như: Một số địa phương chưa xác định được sản phẩm đặc trưng; nhiều sản phẩm được chọn còn ở dạng thô, chưa qua chế biến, giá trị còn thấp. Một số xã và người dân, các cơ sở kinh doanh, sản xuất chưa thực sự hiểu sâu về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP. Việc quảng bá, thúc đẩy sản xuất đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng một số nơi còn hạn chế nên khó phát huy được hết tác dụng, giá trị của sản phẩm OCOP...

Thời gian tới, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết hiệu lực. Tăng cường xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị; các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tiếp tục đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn nữa, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm", Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phan Anh Quang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-son-ha/202410/quang-ba-xuc-tien-thuong-mai-san-pham-ocop-fc962b5/
Zalo