Quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nam: Cần đa dạng và chuyên nghiệp

Tự hào là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, Hà Nam coi văn hóa, di sản văn hóa là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, lấy sự phát triển du lịch để quảng bá, giữ gìn các giá trị của văn hóa; góp phần tạo nên những giá trị mới của văn hóa, nhưng đòi hỏi cần có sự đa dạng và chuyên nghiệp hơn.

Xây dựng thương hiệu

Bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói riêng được tỉnh Hà Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển, giao lưu và hội nhập quốc tế. Đó là nền tảng để Hà Nam "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước".

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Kyogen của Nhật Bản tại chùa Tam Chúc.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Kyogen của Nhật Bản tại chùa Tam Chúc.

Văn hóa, di sản văn hóa trở thành tài nguyên giá trị để phát triển kinh tế du lịch, đúng như PGS, TS Trần Đức Thanh, nguyên Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Hà Nam có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng từ địa hình, địa mạo với cảnh quan núi đá, hang động, sông nước; nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các tài nguyên du lịch này đã được thể hiện ở hệ thống các di tích văn hóa Hà Nam như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, đền Lăng, chùa Bà Đanh... Cùng với đó là hoạt động lễ hội mang tầm quốc gia, tiêu biểu như: Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, Lễ Phát lương Đức Thánh Trần, Lễ hội đền Lảnh Giang, Lễ hội chùa Tam Chúc và các làng nghề đặc sắc như làng nghề trống Đọi Tam, dệt Nha Xá, gốm Quyết Thành, mây giang đan Ngọc Động, sừng mỹ nghệ Đô Hai... Hà Nam còn là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn hiện thực Nam Cao... Ẩm thực Hà Nam dân dã, mang đậm hồn cốt của vùng quê chiêm trũng như: cá kho, bánh đa cá rô đồng, bánh cuốn chả…

Để đưa văn hóa, du lịch Hà Nam có một vị trí xứng đáng trên bản đồ văn hóa-du lịch toàn quốc và thế giới, cả thập kỷ qua, Hà Nam đã thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa và Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là quảng bá hình ảnh về vùng đất con người Hà Nam. Sau thành công của nhiều chương trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn như “Tháng phim Hàn Quốc – gặp gỡ những người Bruxelles”, “Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nam”… Hà Nam đã đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak lần thứ XVI năm 2019, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Sự kiện này góp phần khai mở con đường du lịch mới cho Hà Nam, đưa Khu Du lịch Tam Chúc lên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Tam Chúc đã xuất hiện trên các nền tảng truyền thông, tạo sức hút mạnh mẽ thúc đẩy du lịch phát triển.

Tại khu du lịch này, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức như: Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt – Nhật, Chương trình biểu diễn múa dân gian Holi Ấn Độ, Chương trình “Chiều cuối năm” của VTV… Năm 2023, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”. Năm 2024, Hà Nam được WTA khu vực châu Á và châu Đại Dương vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”. Du lịch văn hóa được xem như cánh cửa đưa Hà Nam vươn ra thế giới…

Lan tỏa các giá trị mới của văn hóa

Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Lê Văn Lan là một trong những người tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản ở Hà Nam thời gian qua. Tại Hội thảo Thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 năm 2023, ông đã nói “Hà Nam rất quan tâm, tạo điều kiện để các nhà khảo cổ không chỉ làm việc mà còn tham gia những cuộc hội thảo có quy mô lớn tại địa phương. Đây là cơ hội để Hà Nam lan tỏa những giá trị mới của di sản văn hóa”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương tham dự Hội thảo Khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới được tổ chức ở Khu Du lịch Tam Chúc nhận thấy: “Chưa bao giờ tôi được thấy chùa đẹp như thế này, kể cả khi tôi đi thăm Trung Hoa, thăm các nước châu Á. Chùa Tam Chúc được xây dựng vừa đồ sộ, vừa tinh tế. Điều vui hơn, đây là nơi không xa Hà Nội lắm, ngày lễ, Tết có thể về đây trong ngày để được đắm chìm trong không gian này”.

Giai thoại Tiến sỹ giấy được đưa vào vở diễn Cô Đào và cụ Tam Nguyên để khắc họa tài năng và nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Giai thoại Tiến sỹ giấy được đưa vào vở diễn Cô Đào và cụ Tam Nguyên để khắc họa tài năng và nhân cách của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Để làm nổi bật các giá trị văn hóa của di sản, Hà Nam còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch. Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch, ngành văn hóa đã tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu đầu ngành trung ương như: Cục Di sản văn hóa, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học… đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương. Đồng thời mở rộng hợp tác với cơ quan truyền thông trong nước để xây dựng chương trình giới thiệu về các di sản văn hóa tiêu biểu ở Hà Nam. Tích cực tham gia các hoạt động chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa Hà Nam.

Ông Ngô Thanh Tuân khẳng định: Làm tốt công tác quảng bá văn hóa đối với Hà Nam không chỉ mở ra con đường định vị văn hóa cho tỉnh trên bản đồ quốc gia và quốc tế mà còn tạo điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng với Hà Nam. Tuy nhiên, công tác quảng bá văn hóa cần đa dạng và tinh tế hơn, bởi văn hóa không chỉ là di sản bảo tồn mà còn là nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những giá trị mới. Muốn làm cho văn hóa Hà Nam sống động hơn, công tác quảng bá cần hướng đến việc xây dựng hình ảnh và tạo những hoạt động trải nghiệm cho du khách thông qua nền tảng số hóa, xã hội hóa và đổi mới hoạt động. Phát triển du lịch góp phần quảng bá, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa.

Chu Uyên

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/du-lich/quang-ba-van-hoa-du-lich-ha-nam-can-da-dang-va-chuyen-nghiep-160423.html
Zalo