Quảng bá, tiêu thụ hàng Việt qua hoạt động văn hóa, du lịch: Lợi ích kép

Việc kết hợp hoạt động văn hóa, du lịch với quảng bá, tiêu thụ hàng Việt, đặc sản địa phương là hướng đi mang lại nhiều lợi ích, cần tiếp tục triển khai.

Quảng bá, giới thiệu hàng hóa, đặc sản địa phương, nhất là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số qua các hoạt động văn hóa, du lịch được xem là kênh tiêu thụ hữu ích để hàng hóa, đặc sản địa phương tiếp cận và đến gần hơn với người tiêu dùng, du khách, mang lại lợi ích kép, vừa giúp giới thiệu văn hóa truyền thống mà còn tạo cơ hội tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này .

Các hoạt động quảng bá, tiêu thụ hàng hóa địa phương được thúc đẩy. Ảnh: Khánh Duy

Các hoạt động quảng bá, tiêu thụ hàng hóa địa phương được thúc đẩy. Ảnh: Khánh Duy

Thưa ông, thời gian qua, các hoạt động du lịch, văn hóa gắn với quảng bá, tiêu thụ hàng Việt, nhất là sản phẩm, hàng hóa của vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu s được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Từ góc độ chuyên gia du lịch, ông đánh giá gì về sự kết hợp này?

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều địa phương rất tích cực quảng bá, giới thiệu hàng hóa, đặc sản địa phương thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch. Cách làm này đã giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa có thể bán, giới thiệu được sản phẩm của mình cũng như các địa phương đã đưa được đặc sản, sản phẩm địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và du khách. Đây là hình thức đơn giản nhất và sớm nhất được hình thành, điển hình tại một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn...

Bên cạnh đó, việc tích hợp hoạt động du lịch và văn hóa để quảng bá sản phẩm địa phương là một chiến lược rất hiệu quả trong việc thu hút du khách, tạo nên trải nghiệm mới lạ và độc đáo. Mặt khác, việc kết hợp hoạt động du lịch với việc tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm của dân tộc thiểu số, không chỉ giúp giới thiệu văn hóa truyền thống mà còn tạo cơ hội tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Đáng chú ý, trong phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa bản địa đóng vai trò chủ chốt nhưng sinh kế bản địa đóng vai trò cán cân. Khi làm tốt việc phát huy giá trị của sinh kế bản địa để đưa vào thị trường đồng nghĩa với đời sống kinh tế của địa phương nâng cao và giải quyết được mâu thuẫn trong cộng đồng, mâu thuẫn giữa những người tham gia làm du lịch và cộng đồng chưa tham gia làm du lịch.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được, ông có thể chỉ ra những hạn chế, khó khăn mà các địa phương gặp phải trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa địa phương thông qua hoạt động du lịch, văn hóa?

Để quảng bá sản phẩm địa phương qua chương trình du lịch, các địa phương có thể tận dụng các sự kiện, festival, tour du lịch thương mại, du lịch mua sắm nông sản, đặc sản địa phương để giới thiệu và bày bán sản phẩm một cách hiệu quả. Việc tạo ra các điểm mua sắm du lịch địa phương cũng giúp khách du lịch tiện lợi khi mua sắm và khám phá văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, từ thực tiễn của các địa phương, việc quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương qua hoạt động du lịch cũng gặp phải một số khó khăn như cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm hàng hóa khác, nhất là những hàng hóa đại trà giá rẻ, nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặt khác, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, cũng như sự không đồng nhất trong chất lượng và giá của hàng hóa. Đây có thể nói là rào cản để sản phẩm, hàng hóa của các địa phương đến được với người tiêu dùng trong nước và du khách.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT)

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT)

Từ những hạn chế hiện nay, theo ông, để hàng hóa của địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi lan tỏa và được người tiêu dùng trong nước tin dùng, vươn xa ra nhiều thị trường, ông có thể gợi ý một số giải pháp?

Theo tôi, để tăng cường việc quảng bá và lan tỏa sản phẩm, hàng hóa nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh địa phương để phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt quan trọng nhất là phải tận dụng được nội lực cộng đồng để xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn, xây dựng được bộ giá chung của cả làng, bản gắn liền với lợi ích chung của bản làng.

Ngoài ra, việc đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác kinh doanh cũng là một bước quan trọng để sản phẩm địa phương có thể tiếp cận được thị trường lớn hơn và đa dạng hơn. Vì vậy, ngay từ khâu định hướng hay phát triển sản phẩm, cần có lộ trình, quản lý nguyên liệu đầu vào, tuân thủ và hướng tới những quy định về tiêu chuẩn của trong nước và quốc tế cho các đầu mục sản phẩm. Từ đó, khi sản phẩm ra thị trường sẽ có cơ hội phát triển và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng

Bộ Công Thương đang triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo ông, Bộ Công Thương cần có những hỗ trợ gì để các sản phẩm, hàng hóa của các địa phương được quảng bá, tiêu thụ sâu rộng hơn thông qua hoạt động văn hóa, du lịch nội địa?

Để các sản phẩm và hàng hóa địa phương được quảng bá sâu rộng hơn thông qua hoạt động văn hóa, du lịch nội địa, tôi cho rằng, Bộ Công Thương cần có các biện pháp hỗ trợ như: Tạo điều kiện và quy định rõ ràng, đơn giản để các địa phương có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động văn hóa, du lịch nội địa. Điều này bao gồm việc hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý, giấy tờ cần thiết cho việc quảng bá sản phẩm và hàng hóa.

Bên cạnh đó, xây dựng và thúc đẩy các chương trình đào tạo, huấn luyện về kỹ năng phát triển và quảng bá sản phẩm, hàng hóa cho các địa phương. Điều này giúp tăng cường năng lực và hiểu biết về cách thức tiếp cận và tiếp thị sản phẩm địa phương. Hỗ trợ tài chính và hỗ trợ chính sách giáo dục để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm, hàng hóa địa phương trong các hoạt động du lịch, văn hóa bao gồm việc cung cấp nguồn vốn cho các chương trình quảng bá, sự kiện văn hóa, hỗ trợ marketing và tiếp thị.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần hỗ trợ xây dựng mạng lưới kết nối giữa các địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức trong lĩnh vực du lịch, văn hóa để tạo ra cơ hội hợp tác cũng như tương tác trong việc quảng bá sản phẩm, hàng hóa của địa phương. Theo đó, những biện pháp hỗ trợ này sẽ giúp tăng cường khả năng quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa địa phương thông qua hoạt động văn hóa, du lịch nội địa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ba-tieu-thu-hang-viet-qua-hoat-dong-van-hoa-du-lich-loi-ich-kep-346951.html
Zalo