Quảng bá điểm đến Việt Nam ở châu Âu: Làm sao để hiệu quả, bền vững?

Để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hiệu quả, bền vững, trước hết cần xây dựng thương hiệu rõ ràng, tận dụng công nghệ số, văn hóa đại chúng, sự kiện lớn và sức mạnh của con người...

Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài năm 2025 đã được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chốt.” Cục Du lịch quốc gia cho biết sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 7 chương trình tại các thị trường trọng điểm của châu Âu với quy mô lớn, có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp.

Mỗi cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người” là dịp cho Việt Nam giới thiệu các chính sách, điểm đến, sản phẩm du lịch. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác, thu hút khách châu Âu đi du lịch Việt Nam và ngược lại. Mặc dù thời gian qua nhiều chương trình đã liên tục tổ chức và bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực, song làm sao để quảng bá thực sự hiệu quả, bền vững vẫn là câu chuyện cần bàn.

Quảng bá ở châu Âu thế nào?

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia thông tin, ngay trong tháng Năm này, Cục sẽ có chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 3 nước Pháp, Italy và Thụy Sỹ. Theo kế hoạch, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam và chương trình gặp gỡ doanh nghiệp (B2B) sẽ được tổ chức tại Milan (Italy) vào ngày 6/5, tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 8/5 và tại Paris (Pháp) ngày 12/5.

Đáng chú ý, chương trình biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế sẽ diễn ra vào tối ngày 11/5, tại Quảng trường Trocadero (Esplanade de Trocadero), Paris (Pháp).

Tham gia đoàn xúc tiến quảng bá lần này bao gồm Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các nghệ nhân, nghệ sỹ, doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, hàng không. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Huế sẽ cùng phối hợp quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương và giới thiệu Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 đến với đông đảo bạn bè, du khách quốc tế.

 Ủy ban nhân dân thành phố Huế sẽ giới thiệu những nét độc đáo, tinh tế của văn hóa Huế đến với thị trường khách châu Âu trong tháng 5 này. (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)

Ủy ban nhân dân thành phố Huế sẽ giới thiệu những nét độc đáo, tinh tế của văn hóa Huế đến với thị trường khách châu Âu trong tháng 5 này. (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia)

Tại sự kiện, Ủy ban nhân dân thành phố Huế sẽ giới thiệu những nét độc đáo, tinh tế của văn hóa Huế; quảng bá cho thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực,” “Huế - Kinh đô Áo dài,” “Huế - thành phố Festival” của Việt Nam. Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người và điểm đến du lịch Huế hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách...

Du lịch Việt Nam xác định châu Âu là thị trường khách trọng điểm, bởi nguồn khách này thường lựa chọn những kỳ nghỉ dài ngày, chi tiêu cao. Năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 1,8 triệu lượt du khách châu Âu, trong đó đông đảo nhất từ các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy... Trong quý I/2025, khách từ thị trường châu Âu đến Việt Nam tiếp tục tăng với tốc độ gần 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 791.000 lượt khách.

Riêng thị trường Pháp, Thụy Sỹ, Italy, năm 2024, Việt Nam đón 279.000 lượt khách Pháp, 89.000 lượt khách Italy, 33.000 lượt khách Thụy Sỹ. Quý I/2025, có khoảng 102.000 lượt khách Pháp, 31.000 khách Italy, 12.000 lượt khách Thụy Sỹ tới Việt Nam.

Chương trình xúc tiến quảng bá điểm đến Việt Nam đã cho thấy tính hiệu quả trên cả bảng xếp hạng website toàn cầu similarweb.com, khi tháng 3/2025, website https://vietnam.travel của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á - xếp hạng 120.809 trên thế giới, đứng sau website du lịch của Thái Lan (hạng 88.657) và xếp trên Singapore (hạng 120.869), Indonesia (hạng 160.089), đồng thời bỏ xa Malaysia (hạng 401.954), Philippines (hạng 1.157.026).

 Du lịch Việt Nam xác định châu Âu là thị trường khách trọng điểm, bởi nguồn khách này thường lựa chọn những kỳ nghỉ dài ngày, sẵn sàng chi tiêu cao. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du lịch Việt Nam xác định châu Âu là thị trường khách trọng điểm, bởi nguồn khách này thường lựa chọn những kỳ nghỉ dài ngày, sẵn sàng chi tiêu cao. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Đáng chú ý, tỷ lệ truy cập từ nước ngoài của website vietnam.travel đạt tới 83%, gần tương đương website Singapore (87%), cao hơn nhiều so với website Thái Lan (48%), Indonesia (66%), Malaysia và Philippines (64%).

Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia… là Những quốc gia có lượng truy cập nhiều nhất vào website vietnam.travel. Trong đó, lượng truy cập từ thị trường Ấn Độ tăng 51,7%.

Có thể nói, các chương trình quảng bá và những chính sách cởi mở về thị thực và xuất nhập cảnh đã tạo thuận lợi lớn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và sức hấp dẫn với quốc tế.

Phải xây dựng được thương hiệu du lịch đặc trưng

Gần đây, lãnh đạo ngành đã tích cực hơn trong việc tận dụng sức ảnh hưởng từ các sự kiện thể thao (F1, SEA Games), hội nghị quốc tế (APEC, P4G), hay triển lãm văn hóa, tổ chức Lễ hội đèn lồng Hội An, Festival Huế, “Tuần Văn hóa Việt Nam” tại các thành phố lớn như London, New York, Seoul… nhằm giới thiệu ẩm thực, âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam với quy mô lớn hơn nhằm thu hút truyền thông toàn cầu và lan tỏa hình ảnh điểm đến quốc gia.

Để quảng bá đất nước và con người Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cho rằng cần một chiến lược toàn diện, tận dụng cả truyền thống lẫn công nghệ hiện đại, đồng thời tập trung vào việc xây dựng hình ảnh đặc trưng và cảm xúc tích cực trong lòng du khách quốc tế.

 Âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam chính là "mỏ vàng" cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam chính là "mỏ vàng" cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ông Chính nhấn mạnh việc trước tiên phải xây dựng được thương hiệu du lịch đặc trưng. “Cần tạo ra một thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, phản ánh bản sắc Việt Nam. Hiện tại, slogan ‘Vietnam – Timeless Charm’ (Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận) đã được sử dụng, nhưng cần làm rõ hơn bằng cách gắn với các hình ảnh cụ thể như áo dài, nón lá, vịnh Hạ Long, hay nụ cười người Việt,” ông Chính nói.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, du lịch Việt cần tận dụng sức mạnh của truyền thông số. Bởi, thực tế 70% du khách thế giới (thống kê từ Statista, một nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu) hiện đang tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội trước khi chọn điểm đến.

Do đó, việc đầu tư vào các nền tảng như Instagram, TikTok, YouTube, Facebook với nội dung ngắn gọn, bắt mắt (ví dụ như những video 15-30 giây về cảnh đẹp Hạ Long, chợ nổi, ẩm thực đường phố…), hay hợp tác với những người có sức ảnh hưởng tầm quốc tế (travel bloggers, vloggers) để quảng bá, lan tỏa tự nhiên vẻ đẹp Việt là xu hướng hiệu quả.

Ông Chính gợi ý, phát triển một cổng thông tin du lịch chính thức như vietnam.travel với giao diện thân thiện, đa ngôn ngữ, có gợi ý lịch trình cho du khách sẽ mang đến hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hợp tác với các nhà sản xuất phim quốc tế để đưa cảnh đẹp Việt Nam vào phim Hollywood hoặc phim truyền hình đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa qua âm nhạc, ẩm thực, thời trang (như áo dài), hay mời các đạo diễn nổi tiếng quay phim tại Sơn Đoòng, Hội An, tổ chức liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam để tăng độ nhận diện… cũng là con đường bền vững cho quảng bá du lịch nước nhà.

 Du lịch Việt là điểm đến ưa thích của thị trường khách châu Âu. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du lịch Việt là điểm đến ưa thích của thị trường khách châu Âu. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Để quảng bá đất nước và con người Việt Nam hiệu quả, bền vững cần kết hợp xây dựng thương hiệu rõ ràng, tận dụng công nghệ số, văn hóa đại chúng, sự kiện lớn, và sức mạnh của con người. Nếu thực hiện đồng bộ và đầu tư nghiêm túc, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng tầm hình ảnh, không chỉ thu hút mà còn giữ chân du khách lâu dài, cạnh tranh ngang ngửa với các ‘ông lớn’ trong khu vực,” ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh./.

Tháng Ba vừa qua, video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đã ra mắt.

Trong hơn 4 phút, video clip đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp ngoạn mục của đất nước hình chữ S xinh đẹp, mến khách. Đó là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, con người thân thiện mến khách, sản phẩm du lịch đa dạng, ẩm thực phong phú, dịch vụ đẳng cấp, chất lượng, luôn sẵn sàng chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới; khẳng định vị thế, thương hiệu của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu.

Video clip được kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng rãi, mang đến cảm xúc trọn vẹn và năng lượng tích cực, khơi gợi cảm hứng đi du lịch, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm và khám phá, góp phần đưa du lịch Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quang-ba-diem-den-viet-nam-o-chau-au-lam-sao-de-hieu-qua-ben-vung-post1036833.vnp
Zalo