Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Chiều 25/12, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tham dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tại điểm cầu Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua 18 luật và 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, 17 nghị quyết điều hành kinh tế-xã hội và cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật. Trong đó 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024; 2 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025; 1 luật có hiệu lực 15/1/2025; 1 luật có hiệu lực từ 1/2/2025; 2 luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; 1 luật có hiệu lực từ 1/1/2026; 2 nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2025; các nghị quyết còn lại hiệu lực thi hành kể từ ngày Quốc hội thông qua.
Để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên các phương diện: Xây dựng kế hoạch triển khai thi hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết mới; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.
Tại hội nghị, ý kiến tham luận của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tập trung vào các vấn đề, gồm: Nội dung luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, không tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong từng dự án, dự thảo; vấn đề triển khai các luật, nghị quyết như thế nào để góp phần khơi thông mọi nguồn lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là "đột phá của đột phá", nguồn lực, động lực phát triển đất nước nhưng hiện tại thể chế vẫn còn là "điểm nghẽn của các điểm nghẽn". Vì thế, cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc “điểm nghẽn” thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, phải quán triệt tư tưởng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn mới với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.