Quán triệt Nghị quyết của Đảng: Không chỉ là 'khai hội, thảo nghị quyết'
Theo ông Nguyễn Viết Thông, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ở một số nơi, việc quán triệt, học tập Nghị quyết của Đảng chưa thực chất, còn mang tính hình thức.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương về việc làm sao để biến tinh thần Nghị quyết của Đảng thành hiện thực? Làm sao để việc quán triệt Nghị quyết không chỉ là "khai hội, thảo nghị quyết" mà phải thấm đến từng cán bộ đảng viên?
PV: Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta là lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương lớn trên các lĩnh vực mà chủ yếu là thông qua các nghị quyết. Vì vậy việc nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng và là điều kiện tiên quyết để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ông có lý giải như thế nào trước việc một số nơi, việc quán triệt, học tập nghị quyết chưa thực chất, còn mang tính hình thức, đối phó?
Ông Nguyễn Viết Thông: Một số nơi, việc quán triệt, học tập nghị quyết chưa thực chất, còn mang tính hình thức, đối phó là do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là vẫn còn tình trạng ban hành nhiều nghị quyết, ngay cả ở Trung ương, rồi cấp tỉnh ra nghị quyết, cấp huyện, cấp xã cũng ra nghị quyết.
Nguyên nhân thứ hai là những năm gần đây, với sự phát triển của phương tiện thông tin xã hội, chúng ta tổ chức học trực tuyến. Ưu điểm của học trực tuyến là nhanh, số người tham gia đông. Như mới đây nhất, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị học tập Quy định 144 và Chỉ thị 35 với gần 1,3 triệu đảng viên tham gia. Nhưng toàn Đảng có 5,2 triệu đảng viên, số còn lại, cấp ủy một số nơi không tổ chức học tập, coi như học trực tuyến là xong.
Một vấn đề nữa là cấp ủy chưa thực sự gương mẫu, nhất là người đứng đầu chưa tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, học tập nghị quyết. Bên cạnh đó, do đội ngũ đảng viên chưa có ý thức cao; chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở các cấp chưa thực sự đảm bảo chất lượng.
PV: Theo ông, việc đảng viên học nghị quyết theo kiểu chỉ để ghi tên và điểm danh cho có sẽ gây ra những hệ lụy gì?
Ông Nguyễn Viết Thông: Hệ lụy đầu tiên là khi không nắm chắc nghị quyết thì xây dựng chương trình hành động cũng không tốt. Thứ hai là làm cho nghị quyết chậm đi vào cuộc sống, thậm chí không vào cuộc sống hoặc vào cuộc sống sai lệch vì nắm tinh thần nghị quyết không đúng.
Tôi nhớ lại câu chuyện, khi học nghị quyết nói rằng phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu các cấp cũng phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không hiểu cấp mình làm gì nên ở một số nơi thấy rằng cấp xã, cấp huyện cũng phải công nghiệp hóa. Để công nghiệp hóa, người ta lập tổ lò rèn vào một cơ sở sản xuất; có mấy cây mía thôi nhưng cũng bàn về việc chế tạo ra đường, chế tạo giấy... song hiệu quả không cao. Điều đó cho thấy, việc nắm nghị quyết không thực chất nên đưa nghị quyết vào cuộc sống đã “tam sao thất bản”, không đúng với tinh thần nghị quyết.
Hệ lụy tiếp theo, việc không quán triệt nghị quyết đúng thì sẽ hiểu không đúng thực chất nghị quyết. Khi nghị quyết không vào cuộc sống thì đất nước không phát triển được như mong đợi, đời sống nhân dân chậm được cải thiện, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
PV: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghiêm khắc phê bình những cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công tác kiểm tra. Người đã chỉ rõ, hiện nay nhiều nơi, cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội, thảo nghị quyết, rồi đánh điện gửi chỉ thị mà không biết những nghị quyết đó đã được quán triệt và thực hành đến đâu, có những khó khăn, trở ngại gì, có được nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia không, họ quyên mất kiểm tra, đó là sai lầm rất to lớn. Vì thế "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà công việc không chạy. Soi chiếu vào điều này trong thực tế hiện nay, ông có bình luận gì?
Ông Nguyễn Viết Thông: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều cảnh báo và có thể khẳng định rằng, những cảnh báo của Người đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Người đã cảnh báo cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội, chưa coi trọng xây dựng và thảo luận chương trình hành động cụ thể. Hôm nay, chúng ta thấy việc xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai các nghị quyết chưa được tiến hành bài bản, mặc dù đã có tiến bộ hơn so với trước đây.
Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra, quán triệt thực hiện nghị quyết như thế nào. Sinh thời, Bác đã nói rõ: Phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Thấy nghị quyết chưa đúng thì phải sửa; nếu nghị quyết đúng mà làm chưa tốt thì vấn đề ở chỗ là tổ chức thực hiện như thế nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo, cán bộ chưa nắm được khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai nghị quyết. Như Trung ương ban hành nghị quyết cho cả nước, nhưng mỗi tỉnh, mỗi địa phương, đơn vị có điều kiện cụ thể khác nhau thì có những khó khăn khác nhau. Ví dụ, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh đồng bằng thuận lợi hơn các tỉnh miền núi; hay về quá trình công nghiệp hóa, các tỉnh gần đô thị thì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuận lợi, nhưng ở tỉnh khó khăn hay ở những địa bàn phức tạp. Cho nên cán bộ phải nắm được điều kiện của mình, triển khai nghị quyết như thế nào. Điều này đã được Bác cảnh báo từ lâu, nhưng hiện nay chúng ta vẫn làm chưa tốt.
Một vấn đề nữa là không kiểm tra thì chúng ta không nắm được dân nghĩ gì, dân nói gì và dân muốn gì. Bác đã nói, phải gần dân, mọi điều hay phải học ở nơi dân dã. Nhưng do chúng ta chỉ làm mệnh lệnh, "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà không biến nghị quyết vào cuộc sống. Đó là những cảnh báo mà chúng ta cần quán triệt, thấm nhuần và khắc phục cho được những khuyết điểm.
PV: Theo ông, làm sao khắc phục được tình trạng này để có những nghị quyết của Đảng khi ra đời đều được các đảng viên và người dân đón đợi, mong muốn áp dụng ngay vào thực tiễn?
Ông Nguyễn Viết Thông: Trong các văn kiện của Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những khuyết điểm mà Bác Hồ đã nêu ra, nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào.
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm hiệu quả. Vì sao phải tiếp tục đổi mới? Vì việc quán triệt nghị quyết có đổi mới, nhưng chưa đổi mới mạnh mẽ.
Đại hội XIII đã chỉ rõ những nhiệm vụ giải pháp sau: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Ban hành nghị quyết là khi thực sự cần thiết, hợp lý, thiết thực, ngắn gọn, khả thi; khắc phục tình trạng ban hành nhiều nghị quyết. Trước đây có tình trạng nghị quyết thiếu tính khả thi bởi vì chưa tính đến nguồn lực để thực hiện nghị quyết.
Giải pháp tiếp theo là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết giám sát chặt chẽ việc cụ thể hóa, thể chế hóa khi tổ chức thực hiện nghị quyết. Nghị quyết của Đảng có vào cuộc sống hay không thì sau khi quán triệt, vấn đề đặt ra là phải thể chế hóa bằng những văn bản quy phạm pháp luật và bằng những chương trình hành động cụ thể. Làm sao tới đây phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và kiên quyết giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Việc thứ ba cần phải làm là coi trọng việc kiểm tra, giám sát như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh cáo. Phải đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng như thế nào, nghị quyết có vào cuộc sống hay không, cần phải điều chỉnh gì.
Liên quan trực tiếp đến quán triệt nghị quyết, cần phải đổi mới tất cả các khâu từ khâu viết tài liệu sao cho ngắn gọn; tổ chức hội nghị hiện nay đã tổ chức theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên cũng không nên vận dụng phương thức này một cách đại trà mà nên kết hợp với trực tiếp, tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên và người nghe; lựa chọn báo cáo viên phù hợp.
Cùng với đó cần phải đổi mới cách thức và phương pháp quán triệt nghị quyết: Cần quay trở lại nguyên lý về tuyên truyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo.
PV: Xin cảm ơn ông!