Quản trị rủi ro ngân hàng, bước chuyển mình để hội nhập quốc tế
Các ngân hàng Việt Nam đồng loạt chủ động áp dụng Basel III, tăng tốc chuẩn hóa quản trị rủi ro để mở rộng cơ hội trên thị trường vốn quốc tế.
Tăng cường năng lực quản trị rủi ro ngân hàng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, ngành Ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và tăng sức chống chịu trước các cú sốc thị trường. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế không chỉ giúp tăng cường ổn định tài chính mà còn tạo nền tảng để các tổ chức tín dụng phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.

Hội thảo “Tăng cường năng lực quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN”. Ảnh: Ngô Hải
Chia sẻ tại Hội thảo “Tăng cường năng lực quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16/7, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Rủi ro trực thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu cốt lõi trong Basel III (bộ tiêu chuẩn quốc tế được thông qua sau khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, nhằm cải thiện quy định, giám sát và quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng). Cạnh đó, hai dự thảo quan trọng cũng đang được hoàn thiện gồm: dự thảo thay thế Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại và dự thảo thay thế Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại.
Chia sẻ cụ thể hơn về một số nội dung mới của Basel III so với Basel II, ông Trần Phương, cho hay, Basel III có nhiều điểm mới so với Basel II. Theo đó, Basel III nhấn mạnh vào an toàn vĩ mô để giảm thiểu rủi ro hệ thống. Các thay đổi đáng chú ý gồm: nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 4,5%, bổ sung mức đệm bảo toàn vốn (CCB) ≥ 2,5% và đệm phản chu kỳ (CCyB) từ 0 - 2,5%, đưa tổng mức an toàn vốn tối thiểu lên 10,5%; áp dụng tỷ lệ đòn bẩy tối thiểu 3%; tăng cường giám sát an toàn thanh khoản thông qua tỷ lệ bù đắp thanh khoản (LCR) và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) tối thiểu 100%. Basel III cũng điều chỉnh phương pháp tính vốn tiêu chuẩn cho các rủi ro trong Trụ cột 1, bổ sung rủi ro điều chỉnh giá trị tín dụng và siết chặt việc sử dụng mô hình nội bộ với yêu cầu kiểm định, chứng minh ứng dụng và áp dụng mức sàn theo phương pháp tiêu chuẩn.
“Việt Nam đã bắt đầu triển khai Basel từ năm 2014 với chương trình thí điểm Basel II tại 10 ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành Basel II trước thời hạn. Hiện nay, việc áp dụng Basel III được xem là xu thế tất yếu, mở ra cơ hội nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng trong tình huống xấu, quản lý rủi ro thanh khoản, qua đó mở rộng hội nhập thị trường vốn quốc tế”, ông Trần Phương thông tin.

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Rủi ro trực thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngô Hải
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Rủi ro cũng nhìn nhận, các ngân hàng Việt đang đối diện thách thức lớn về nguồn vốn, dữ liệu định lượng chất lượng cao, chuyển đổi mô hình kinh doanh và thay đổi cấu trúc nguồn vốn để đáp ứng các tỷ lệ thanh khoản mới.
Nhiều giải pháp và kiến nghị thúc đẩy triển khai Basel III
Theo ông Phương, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2022 đã tích cực nghiên cứu, phối hợp với World Bank tổ chức hội thảo về Basel, thành lập Ban chỉ đạo triển khai Basel III, xây dựng và lấy ý kiến dự thảo hai thông tư trên.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Phương cho biết, nhiều đơn vị đã chủ động rà soát chênh lệch so với chuẩn mực quốc tế, xây dựng lộ trình triển khai, đẩy mạnh tăng vốn, nâng cao chất lượng vốn, số hóa dữ liệu, triển khai mô hình vốn nội bộ, chuẩn hóa công bố thông tin và đào tạo nhân lực, hướng đến tăng trưởng bền vững và hội nhập toàn diện.
Tại hội thảo, đại diện các ngân hàng thương mại khẳng định triển khai Basel III tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, song cũng đặt ra áp lực lớn về tăng vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) và các bộ đệm vốn mới. Bà Bùi Thị Miền, Phó Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết, hiện các tổ chức tín dụng phải tự thu thập thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa để phân loại theo quy định pháp luật, dẫn đến tình trạng không đồng nhất giữa các ngân hàng. Bà đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng kho dữ liệu tập trung cho đối tượng này để đảm bảo thống nhất trong toàn hệ thống.

Bà Bùi Thị Miền, Phó Giám đốc Khối Quản trị rủi ro MB chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Ngô Hải
Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), bà Lê Hồng Hạnh, nêu rõ sự khác biệt giữa thị trường tài chính Việt Nam và các thị trường phát triển dẫn tới cách hiểu khác nhau khi triển khai. Bà đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng hướng dẫn chi tiết về phương pháp đo lường vốn, yêu cầu tối thiểu của phương pháp xếp hạng nội bộ, đảm bảo tính phù hợp và duy trì tính cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về cơ sở dữ liệu, bà đề xuất thiết lập tiêu chuẩn chung, áp dụng linh hoạt độ dài dữ liệu lịch sử giai đoạn đầu, đồng thời chuẩn hóa dữ liệu toàn ngành.
Hạ tầng công nghệ cũng là thách thức lớn khi các ngân hàng phải nâng cấp hệ thống tính vốn theo cả phương pháp cơ bản và nâng cao, kéo theo chi phí đầu tư, vận hành tăng. Techcombank đề nghị có chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với ngân hàng áp dụng phương pháp xếp hạng nội bộ, khuyến khích đầu tư công nghệ phục vụ tính vốn và áp dụng kết quả vào thực tiễn. Ngân hàng Nhà nước cũng được kiến nghị rút ngắn lộ trình triển khai Basel III xuống 1 - 2 năm đối với các ngân hàng có mức độ đáp ứng cao, thay vì 2 - 3 năm như dự thảo.
Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Quản lý Rủi ro Tín dụng, đầu tư, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), đề xuất Ngân hàng Nhà nước cập nhật các thông tư liên quan như Thông tư 22/2023/TT-NHNN về giới hạn an toàn, Thông tư 31/2024/TT-NHNN về phân loại nợ để phù hợp với điều chỉnh của Thông tư 41. Bà cũng kiến nghị cho phép các ngân hàng chủ động xin phê duyệt và triển khai sớm phương pháp IRB nhằm tận dụng lợi thế tiết kiệm vốn.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Quản lý Rủi ro Tín dụng, đầu tư VietinBank. Ảnh: Ngô Hải
Ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro và Tuân thủ, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), nhấn mạnh cần đẩy nhanh số hóa dữ liệu tín dụng và sớm ban hành quy định pháp lý phục vụ xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ.
Còn ông Nguyễn Hồng Quân, Chuyên gia cấp cao, Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), đề xuất xây dựng hệ sinh thái Open Banking liên kết các ngân hàng, kết hợp mô hình thống kê và “machine learning” để tăng hiệu quả dự báo, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn đánh giá mô hình và chia sẻ “benchmark”, tăng cường đào tạo kiểm định mô hình và kiểm tra sức chịu đựng.
Về quản lý rủi ro phi tài chính, bà Trần Thị Thu Hằng, đại diện Nhóm công tác ngân hàng, cho rằng, trách nhiệm cần được quy định rõ ràng, đồng thời nên ứng dụng các công cụ sáng tạo như tự động hóa quy trình, phân tích dữ liệu lớn để giám sát rủi ro.
Ông Nguyễn Đức Long, Cục trưởng Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh, thị trường tài chính phát triển nhanh, hoạt động doanh nghiệp phức tạp, thị trường bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vì vậy cơ quan quản lý đang hoàn thiện quy định pháp lý theo hướng tiệm cận thông lệ quốc tế như Basel III, đồng thời phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Ngày 16/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chính thức công bố ra mắt Ủy ban Rủi ro, trực thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Theo đó, Ủy ban Rủi ro bao gồm 15 thành viên và Tổ giúp việc Ủy ban Rủi ro gồm 13 thành viên. Đây được xem là bước đi tất yếu trong bối cảnh lĩnh vực quản trị rủi ro đang trở thành yêu cầu cấp bách của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.