Người Hàn mạnh tay mua những nhóm hàng hóa nào từ Việt Nam?

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại, hàng dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng... là top các nhóm hàng mà thị trường Hàn Quốc nhập khẩu lớn từ Việt Nam, kim ngạch đều trên 1 tỷ USD trong 6 tháng 2025.

Dệt may là 1 trong 4 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2025.

Dệt may là 1 trong 4 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2025.

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, 1 trong 5 thị trường lớn nhất của nước ta, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025.

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc tính riêng trong tháng 6/2025 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước đó. Với kết quả này, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 13,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2025 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm và linh kiện trị giá 4,1 tỷ USD, tăng 59,8%, chiếm 30% tỷ trọng. Tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,79 tỷ USD, tăng 1,3%, chiếm 13% tỷ trọng.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, hàng dệt may 1,34 tỷ USD.

Như vậy, 6 tháng qua, 4 mặt hàng kể trên có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngoài máy tính và điện thoại có tăng trưởng, thì dệt may và máy móc thiết bị ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ, với mức giảm lần lượt là 1,4% và 6,4%.

Một số nhóm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng khác là: cà phê, kim ngạch 129 triệu USD, tăng 70,4%; hạt tiêu 28,3 triệu USD, tăng 42,6%; phân bón các loại 44,7 triệu USD, tăng 13,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng 900 triệu USD, tăng gần 11%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận 22,5 triệu USD, tăng 16,4%...

Với đà xuất khẩu như hiện nay, hết tháng 7/2025, danh sách nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, đạt trên 1 tỷ USD sang Hàn Quốc sẽ có thêm phương tiện vận tải và phụ tùng.

Trao đổi thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đang được hỗ trợ bởi hàng loạt FTA song phương và đa phương. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối 2015 đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.

Cuối năm nay, VKFTA sẽ tròn 10 năm thực thi.

Ngoài FTA song phương, các doanh nghiệp Việt còn có thêm lựa chọn khi có hoạt động giao thương xuất nhập khẩu với Hàn Quốc, nhờ vào Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực từ 2022 và FTA đa phương khác là Hiệp định Thương mại tự do Asean - Hàn Quốc (AKFTA).

Để tạo thuận lợi thương mại hơn nữa, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận công nhận về doanh nghiệp ưu tiên vào cuối năm ngoái.

Theo Hải quan Việt Nam, việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên là một xu thế và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và giúp cho công tác quản lý hải quan thuận lợi hơn. Mục đích lớn nhất của việc ký Thỏa thuận là mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.

Thỏa thuận cũng giúp triển khai có hiệu quả các quy định trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-han-manh-tay-mua-nhung-nhom-hang-hoa-nao-tu-viet-nam-d333630.html
Zalo