Quản trị hiệu quả tài nguyên khoáng sản bắt đầu từ Luật

Sau 13 năm Luật Khoáng sản 2010 đi vào cuộc sống, hoạt động khai khoáng đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt thì Luật Khoáng sản 2010 vẫn còn nhiều bất cập phải tháo gỡ.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên. Xét về chỉ số vốn thiên nhiên, Việt Nam đứng thứ 79 thế giới. Các loại khoáng sản mà Việt Nam có thế mạnh là antimon, bauxite, crome, than, mangan, dầu khí, phốt pho, đất hiếm… Theo thống kê năm 2022, lĩnh vực khai khoáng đóng góp khoảng 2,8% GDP, đứng khoảng thứ 70 trên thế giới, tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản thô còn khá lớn, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại.

Tài nguyên khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ bản. Ảnh: Giang Nam

Tài nguyên khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ bản. Ảnh: Giang Nam

Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, công nghiệp khai khoáng của nước ta chưa phát triển hết tiềm năng. Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác mà chưa có đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản kim loại. Một số loại khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm vẫn chưa được khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, đối ngoại cho đất nước…

Theo VCCI, Luật Khoáng sản 2010 (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) đã trải qua hơn 13 năm thi hành, mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, dễ thấy nhất là vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010 và được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua 13 năm triển khai, số lượng mỏ khoáng sản được đấu giá rất thấp.

Qua thống kê của VCCI, ở cấp trung ương chỉ có 10 mỏ được đấu giá trên tổng số 441 giấy phép được cấp. Ở địa phương có 827 trường hợp đấu giá trên hơn 3000 giấy phép. Trong khi đó, giá trúng đấu giá luôn cao hơn từ 20 đến 40% giá khởi điểm, có trường hợp cao gấp 2-3 lần. Như vậy, sửa đổi Luật Khoáng sản lần này, vấn đề đấu giá mỏ là cần thiết và được dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Thêm nữa, vấn đề tài chính về khoáng sản cũng là nội dung cần được tháo gỡ. Cụ thể, hiện vấn đề tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu trước khi mỏ đi vào hoạt động lại đang được dựa trên số liệu ước đoán từ kết quả thăm dò. Nói cách khác, việc khai thác đang đẩy toàn bộ rủi ro về phía doanh nghiệp, khiến các dự án khoáng sản đã nhiều rủi ro lại càng thêm rủi ro. Sự thiếu minh bạch và không ổn định của các nghĩa vụ tài chính khác như thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cũng làm các doanh nghiệp, ngân hàng do dự khi cân nhắc bỏ vốn vào các dự án khoáng sản quy mô lớn, hoặc các dự án đi kèm chế biến.

Ngoài ra, theo VCCI, các vấn đề bảo đảm quyền tài sản đối với khai thác khoáng sản cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vấn đề này bao gồm nhiều nội dung như quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản, các trường hợp xử lý vi phạm về công suất khai thác, sản lượng được phép khai thác, giám sát sản lượng để tránh thất thu thuế phí, chống nạn khai thác lậu…

Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Văn phòng Luật sư AIC cho rằng, hiện đang có bất cập lớn liên quan đến khoáng sản là phần lớn giấy phép vẫn được cấp theo cơ chế “xin - cho”. Và dĩ nhiên, từ cơ chế cũng nảy sinh tình trạng “vênh” giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với thực tế. Có thể hiểu, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là cơ sở để xác định giá khởi điểm. Nếu tiếp tục áp dụng khung giá cố định tại Thông tư 05/2020/TT-BTC mức giá khởi điểm hiện nay rất thấp, không bám sát được thực tiễn thị trường.

Ví dụ, theo Thông tư 05/2020/TT-BTC, quặng bouxite có giá trị tối đa 390.000 đồng/tấn quặng thô (tương đương 15,47 USD/tấn), trong khi giá trên thị trường một số quốc gia tính đến tháng 12/2023 cao hơn rất nhiều (Mỹ là 48 USD/tấn, Trung Quốc là 69 USD/tấn, Đức là 50 USD/tấn, Brazil là 56 USD/tấn…). Đó là chưa kể khung giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không có sự thay đổi từ năm 2020 đến nay. Theo ông Lê Thanh Sơn, chính bởi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định thấp như vậy, nên giá khởi điểm tại các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng bị xác định thấp, vì vậy dẫn đến giá trúng đấu giá thấp.

Ông Lê Thanh Sơn đề xuất, ở Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Từng bước hoàn thiện “hàng rào” pháp lý

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng vào công tác xây dựng thể chế đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên. Minh chứng dễ thấy là Luật Khoáng sản đã được Quốc hội ban hành lần đầu vào năm 1996, khá sớm so với nhiều lĩnh vực pháp luật khác. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng.

Đáng chú ý, Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu trong đó đến năm 2045 Việt Nam hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á. Để làm được điều này thì công tác xây dựng thể chế là đặc biệt quan trọng. Luật Địa chất và Khoáng sản lần này chính là để làm việc đó.

Theo VCCI, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8. Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.

Góp ý cho Dự thảo, TS Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất và Khoáng sản cho rằng, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào thể hiện được những mong muốn đổi mới trong các quy định, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản Dự thảo cũng bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa. Cụ thể, một số quy định về quản lý hoạt động khoáng sản nói chung về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo luật.

Về phía cơ quan thẩm tra Dự án Luật, đánh giá cao về vấn đề liên quan, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Luật phải bảo đảm thực hiện Nghị quyết 10-NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2022, hướng đến mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát tài nguyên, hạn chế vấn đề “xin - cho”, khuyến khích chế biến khoáng sản, hạn chế xuất khẩu thô. Do đó, Luật cũng dành những điều khoản về đấu giá hoặc đấu thầu để làm sao trao quyền cho nhà đầu tư có năng lực tốt nhất.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-tri-hieu-qua-tai-nguyen-khoang-san-bat-dau-tu-luat-172315.html
Zalo