Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thành Di sản Văn hóa thế giới

Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế...

13h02 ngày 12/7 (giờ Paris, Pháp; tức 18h02 cùng ngày, giờ Việt Nam), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) (diễn ra ngày 6 - 16/7 tại Pháp) gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.

Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Thành công này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các Thứ trưởng và đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong toàn bộ quá trình lập hồ sơ, vận động và bảo vệ thành công hồ sơ có ý nghĩa, giá trị quan trọng này, để các giá trị nổi bật toàn cầu sẽ là di sản văn hóa chung của nhân loại.

Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp đã gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.

Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, chủ trì là UBND tỉnh Quảng Ninh, trong suốt quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ di sản (từ năm 2013).

Thành công của việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế.

Đây cũng là kết quả của quá trình phối hợp tích cực giữa 3 địa phương với các cơ quan trung ương như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; cùng sự tham gia chuyên môn sâu sắc của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, Ủy ban Di sản Thế giới của Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp.

Thành công của hồ sơ di sản có vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp trong việc điều phối thông tin, kịp thời kết nối, làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, ICOMOS, IUCN, Ủy ban Di sản Thế giới, các chuyên gia, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO.

Thành công này còn có sự đóng góp không nhỏ của Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng sự hỗ trợ chuyên môn tích cực của các chuyên gia quốc tế, tổ chức ICOMOS, đặc biệt là trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, giải trình và thực hiện các khuyến nghị.

Đặc biệt xúc động khi quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc cho biết: Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Thế giới. Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn đối với nhân dân cả nước.

Quần thể Di tích Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc phản ánh câu chuyện về sự hình thành và tiếp nối bền vững di sản Phật giáo Trúc Lâm, một Thiền phái độc đáo của Việt Nam được khai sáng bởi các vị vua nhà Trần, hoàng tộc và các cao tăng trong bối cảnh đầy những biến động toàn cầu vào thế kỷ 13.

Trong nội dung phát biểu đáp từ tại Kỳ họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS.KTS. Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các Di sản thế giới ở Việt Nam. Tinh thần đó đã được thể hiện qua việc ngày 23/11/2024, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó bổ sung nội luật hóa các quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đưa ra các quy định về đánh giá tác động di sản trong bối cảnh Di sản thế giới, xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ Di sản thế giới; gắn kết việc bảo tồn di tích với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các Di sản thế giới, với mục tiêu phục vụ cộng đồng tại địa phương ngày càng tốt hơn…

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm về tinh thần hòa giải, hòa hợp và hòa bình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Thông qua các đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm cẩn, phân bố trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn - Kiếp Bạc, di sản phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng và tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này, được hình thành từ nhiều thế kỷ trước đây, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh, là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là một di sản dạng chuỗi liên hoàn gồm 12 di tích/cụm di tích, được chắt lọc từ hàng trăm di tích và danh thắng của 6 khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, tất cả đều nằm trên Dãy núi Yên Tử ở Đông Bắc Việt Nam.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Các chùa Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai và Côn Sơn, những trung tâm tu tập, giảng đạo, hội sở, gắn với cuộc đời tu hành của các Đệ nhị và Đệ tam Tổ Pháp Loa và Huyền Quang. Các chùa Bổ Đà và Nhẫm Dương, gắn với thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm.

Với 12 cụm, điểm di tích, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, từ việc thành lập tại vùng núi thiêng Núi Yên Tử được chứng minh trong các đền cổ, am, tháp, di tích khảo cổ, đến di tích Chùa Vĩnh Nghiêm và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua các văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ. Các di tích này cung cấp đầy đủ đại diện về lịch sử, tinh thần và địa lý của Phật giáo Thiền Trúc Lâm, thể hiện quá trình hình thành, phát triển, mối quan hệ bền vững của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu trong các không gian lịch sử, văn hóa.

Các di tích Thái Miếu và đền Kiếp Bạc - thể hiện quê hương của triều Trần cùng truyền thống thờ cúng, tưởng nhớ các vị thần linh, các bậc tiền nhân và anh hùng dân tộc. Các chùa Hoa Yên, chùa Lân và am-chùa Ngọa Vân, gắn liền với sự nghiệp tu hành, đắc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng sự ra đời Phật giáo Trúc Lâm.

Các di tích được kết nối với nhau một cách hữu cơ trong câu chuyện di sản về Phật giáo Trúc Lâm và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong mối quan hệ tương tác chặt chẽ với triều Trần và thiên nhiên Yên Tử.

Các di tích Thái Miếu và đền Kiếp Bạc - thể hiện quê hương của triều Trần cùng truyền thống thờ cúng, tưởng nhớ các vị thần linh, các bậc tiền nhân và anh hùng dân tộc. Các chùa Hoa Yên, chùa Lân và am-chùa Ngọa Vân, gắn liền với sự nghiệp tu hành, đắc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng sự ra đời Phật giáo Trúc Lâm.

Khởi nguồn từ dãy núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đã kết hợp các giáo lý Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo, và tín ngưỡng bản địa của Việt Nam, hình thành nên một hệ tư tưởng và truyền thống tinh thần riêng biệt.

Hoan Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-the-di-tich-va-danh-thang-yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-chinh-thuc-la-di-san-van-hoa-the-gioi.html
Zalo