Quần thể di tích của dòng họ Dương trên đất khoa bảng Lạc Đạo

Xã Lạc Đạo (Văn Lâm) vốn nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, khoa bảng. Trong khoảng 200 năm (từ năm 1547 – 1754) triều đại Lê – Mạc, xã Lạc Đạo thịnh vượng về khoa cử vì có tới 11 người đỗ đại khoa; trong đó họ Dương có Trạng nguyên Dương Phúc Tư và 8 tiến sĩ. Để lưu giữ truyền thống khoa bảng, họ Dương nơi đây đã sớm xây dựng nhà thờ, khắc bia đá tạo thành một quần thể di tích nhằm giáo dục con cháu thế hệ sau.

Nhà thờ ông Dương Công Khuê ở thôn Cầu vừa được trùng tu

Nhà thờ ông Dương Công Khuê ở thôn Cầu vừa được trùng tu

Theo sử sách, họ Dương xuất hiện ở Lạc Đạo từ năm 1470, khởi nguồn từ cụ Hoàn Nguyên, ông nội của Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Cụ Hoàn Nguyên được mệnh danh là một tướng tài của nhà Lê. Cụ theo vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành. Cụ bị mất trong quân ngũ. Thi hài của cụ được nhà vua cho đem về quê an táng... Họ Dương ở Lạc Đạo chính thức được khởi nguồn từ đây.

Trạng nguyên Dương Phúc Tư sinh năm 1505, tên húy là Phúc Tư, tự là Nhuận Phủ, tên hiệu là Nột Trai. Vốn là người có tố chất thông minh hơn người, lại ngày đêm đèn sách, đặc biệt là được sự quan tâm dạy dỗ chu đáo của người cha là cụ Dương Phúc Hưng (từng thi đỗ Tứ trường và làm tới chức Giảng Dụ), Dương Phúc Tư đã đạt đến đỉnh cao của nền học vấn đương thời. Tuy nhiên cho tới khi 43 tuổi, Dương Phúc Tư mới quyết định dự thi khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất – năm 1547, đời vua Mạc Phúc Nguyên. Dương Phúc Tư đã xuất sắc đỗ đầu 30 tiến sĩ và được xướng tên Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Ông cũng chính là người khai khoa cho dòng họ Dương ở Lạc Đạo.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Dương Phúc Tư được triều đình giao đảm nhiệm chức Hiệu thư Đông các. Với tài năng và sự nỗ lực vượt bậc, ít năm sau, Dương Phúc Tư được thăng đến chức Thượng thư Bộ binh… Khi thấy triều chính nhiễu nhương, ông đã xin về quê dạy học, truyền lại kiến thức cho thế hệ sau. Trạng nguyên Dương Phúc Tư mất ngày 29 tháng Chạp năm Quý Hợi 1563. Sau khi Trạng nguyên Dương Phúc Tư qua đời, đến năm 1642, con cháu và Nhân dân địa phương đã góp tiền của xây dựng nhà thờ ông trên nền đất của dòng họ ở trung tâm thôn Ngọc. Nhà thờ được xây theo kiểu chữ Nhất, gồm ba gian hai chái, mặt tiền quay hướng nam, mái lợp ngói ta, nền nhà lát gạch Bát Tràng. Gian chính giữa đặt ban thờ Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Tại đây có treo 1 bức đại tự với 3 chữ: Trạng Nguyên Từ, dịch nghĩa là nhà thờ Trạng nguyên. Bên trong nhà thờ còn bảo lưu được hai tấm hoành phi sơn son thếp vàng và 6 câu đối có nội dung ca ngợi tài đức của Trạng nguyên Dương Phúc Tư và những người đỗ tiến sĩ của dòng họ Dương. Nhằm vinh danh và phát huy truyền thống khoa bảng, năm 2014, họ Dương ở đây đã xây dựng nhà bia, khắc bia từng tiến sĩ, ghi rõ năm đỗ tiến sĩ ở thời vua nào, làm quan đến chức gì, công trạng ra sao. Với những giá trị về văn hóa, năm 2012, nhà thờ Trạng nguyên Dương Phúc Tư được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trong số những người họ Dương ở Lạc Đạo đăng khoa có ông Dương Công Thụ (còn gọi là Dương Danh Chú) đỗ tiến sĩ năm 1731, làm quan đến chức Tả Thị Lang Bộ Lại. Ông sinh ngày 21/2/1700, là cháu 6 đời của Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Là người trung hiếu vẹn toàn, năm 1731 niên hiệu Vĩnh Khánh thi khoa Tân Hợi, ông đỗ tiến sĩ. Tiến sĩ Dương Công Thụ là tác giả của hai bài ký văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám, đó là bài ký bia tiến sĩ khoa Bính Dần, niên hiệu Cảnh Hưng 7 (1746) và bài ký bia tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748). Ông Dương Công Thụ mất ngày 9/2/1757, được phong là Trung Đẳng Thần. Sau khi ông mất, con cháu trong dòng họ đã xây dựng nhà thờ ông. Nhà thờ tiến sĩ Dương Công Thụ trước đây được xây dựng 2 liên, mỗi liên 3 gian tọa trên khu đất rộng ở thôn Cầu để tỏ lòng ngưỡng mộ trước tài đức, công trạng của ông với dân, với nước. Qua thời gian và sự bào mòn của mưa nắng, nhà thờ tiến sĩ Dương Công Thụ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2002, các con cháu trong dòng họ Dương đã đóng góp công sức, tiền của để tôn tạo lại liên nhà tiền đường, còn liên thờ cúng vẫn giữ nguyên trạng kiến trúc cũ. Tại nhà thờ có 1 bức hoành phi và những câu đối ca ngợi ông. Đặc biệt, phía trước của từ đường còn lưu tấm bia đá ghi rõ công danh, sự nghiệp, đức độ của tiến sĩ Dương Công Thụ. Qua nghiên cứu xác định, tấm bia đá này do cụ Nguyễn Nghiễm thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du soạn. Với giá trị của tấm bia, năm 2002, Quỹ trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) đã tài trợ xây dựng lại nhà bia. Năm 2012, nhà thờ tiến sĩ Dương Công Thụ được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Là một trong ba nhà thờ cổ nằm trong quần thể di tích của dòng họ Dương là nhà thờ ông Dương Công Khuê ở thôn Cầu. Ông Dương Công Khuê sinh ngày 7/7/1684, niên hiệu Chính Hòa, triều vua Lê Huy Tông, là cháu 5 đời của Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Ông thi hương đỗ Tam trường, giữ nhiều chức vị trong triều đình, trong đó có chức cai thuyền ngự. Ông mất ngày 13/2/1749. Năm 1784, con cháu trong dòng họ đã dựng nhà thờ ông. Nhà thờ được xây dựng trên khu đất cao giữa thôn Cầu gồm 2 liên, mỗi liên 3 gian, trong đó liên 2 là nơi thờ cúng. Bên trong nhà thờ có treo cuốn thư cổ gồm 3 chữ Đức Vi Bảo, bức đại tự với 3 chữ Đại Vương Từ và 5 câu đối. Năm 2024, nhân kỷ niệm 240 năm xây dựng nhà thờ Dương Công Khuê, con cháu trong dòng họ đã công đức để đại trùng tu, tôn tạo bảo đảm nhà thờ thêm khang trang nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của nhà thờ. Cùng với đó, dòng họ Dương đang tích cực hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận, cấp Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, từ đó góp phần nâng cao giá trị, sự phong phú của quần thể di tích của dòng họ Dương ở xã Lạc Đạo.

Hoàng Bền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/quan-the-di-tich-cua-dong-ho-duong-tren-dat-khoa-bang-lac-dao-3178113.html
Zalo