Quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua nhiều nguồn lực, nhất là các Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giúp cho tỉnh Lâm Đồng tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống đồng bào DTTS ngày càng khá hơn. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết tận dụng đất đai, lao động, các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, đa dạng về giống cây trồng vật nuôi; tổ chức sản xuất chuyên canh cây rau thương phẩm, trồng hoa xuất khẩu, cà phê, chè, mắc ca, tiêu... để tăng thu nhập và làm giàu.

Hiện, toàn tỉnh có 353 doanh nghiệp do người DTTS làm chủ với số vốn điều lệ 2.773 tỷ đồng, chiếm 2,46% về số doanh nghiệp và 1,6% về vốn điều lệ đăng ký so với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có 10 chủ thể là người đồng bào DTTS (chiếm 4,52%) với 13 sản phẩm OCOP hạng 3 sao (chiếm 3,19%); trên 50 hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động ở các lĩnh vực như: Nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, giao thông vận tải, dịch vụ - du lịch, xây dựng, môi trường, số hợp tác xã-liên hiệp hợp tác xã do người DTTS làm chủ nhiệm (chiếm khoảng 10% toàn tỉnh). Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác đã tạo nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào DTTS …

Các chính sách về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tín dụng để chuyển đổi nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 1.098 hộ được vay vốn theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, 380 hộ được vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; 42.928 lượt học sinh, sinh viêm được hỗ trợ theo Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh với tổng số tiền 76 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 12.137 lượt hộ từ nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày cho 2.769 lượt cán bộ huyện, xã, thôn.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS. Toàn tỉnh có 11.814 hộ DTTS được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích khoảng 297.400 ha. Trong đó, 7.897 hộ DTTS thuộc diện được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức thu nhập từ 600.000 - 1.000.000 đồng/ha/năm.

Các chính sách về giải quyết việc làm tập trung theo hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư; đẩy mạnh các chương trình tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động. Nhờ đó, đạt được mục tiêu hằng năm giới thiệu việc làm từ 28.000-30.000 lượt lao động; đồng bào DTTS chiếm khoảng 6.000 lượt người.

Đáng chú ý, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch dựa trên phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS; kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông gắn với quảng bá tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương; hướng dẫn hỗ trợ khuyến khích các làng DTTS bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Điển hình như: Xã Tà Nung (TP Đà Lạt), thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) đã phát huy được lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS địa phương như: Dệt vải thổ cẩm ở tổ dân phố Đăng Gia Dết B, rượu cần Bon Lang Biang (đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống); các đội văn hóa cồng chiêng của đồng bào DTTS gắn với các khu du lịch tại chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương, xã Tà Nung, TP Đà Lạt...

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết nhà ở cho 340 hộ; 100 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; nước sinh hoạt tập trung 19 công trình/1.002 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 768 hộ. Tỷ lệ hộ dân người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98%...

Hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở cơ bản đã bám sát chức năng, nhiệm vụ cấp cơ sở bằng việc tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương thường xuyên tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào DTTS; tổ chức các chương trình giới thiệu nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Ho, Churu, Mạ. Nhiều hoạt động văn hóa mang tính truyền thống tại địa phương được tổ chức rộng khắp, góp phần khôi phục, bảo tồn và duy trì trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc. Tiếp tục xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực với hệ thống 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1 trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị đảm bảo điều kiện học tập, ăn ở và sinh hoạt cho học sinh, Chất lượng giáo dục học sinh DTTS ở các cấp học được giữ vững. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường dân tộc nội trú, bán trú ổn định, chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay; có 257/262 giáo viên là người DTTS đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn (chiếm 98,09%); từ năm 2019 đến năm 2023 đã thực hiện đào tạo nghề cho 39.088 người đồng bào DTTS.

Mạng lưới y tế ngày càng phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được chú trọng đầu tư, đặc biệt ở vùng DTTS. Đồng bào DTTS cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí cũng như thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân là người đồng bào DTTS...

Có thể khẳng định, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tác động tích cực, làm thay đổi rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Và với chủ trương, chính sách đang tiếp tục được triển khai thực hiện, tin tưởng rằng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

HỒNG VĨNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/quan-tamdau-tu-ho-tro-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-e8509c2/
Zalo