Quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống giao thông miền núi

Ngay từ đầu năm các đơn vị quản lý, bảo trì đường đã tích cực thực hiện các giải pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa nhằm tăng cường khả năng khai thác của các tuyến đường bộ trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

Đơn vị quản lý, bảo trì huy động máy móc hạ cốt các điểm có nguy cơ sạt lở trên Quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi (Mường Lát).

Đơn vị quản lý, bảo trì huy động máy móc hạ cốt các điểm có nguy cơ sạt lở trên Quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi (Mường Lát).

Hiện nay, khu vực miền núi của tỉnh có 42 tuyến, đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh với tổng chiều dài 1.439,34km. Theo Ban Quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng, Sở Giao thông - Vận tải (gọi tắt Ban Quản lý bảo trì), các tuyến đường đơn vị được ủy thác quản lý chủ yếu là miền núi, điều kiện địa hình khó khăn và thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt mưa bão. Nhiều đoạn tuyến bị sạt lở ta luy, ngập lụt, gây tắc đường, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ... Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh thường xuyên phải chịu áp lực từ lưu lượng vận tải tăng nhanh, xe tải trọng nặng.

Do lịch sử để lại, dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ có một số diện tích, công trình của người dân được cấp quyền sử dụng đất nên việc giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, còn để hiện tượng vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Ngoài ra, kinh phí quản lý, bảo dưỡng thường xuyên chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, một số công việc bảo dưỡng thường xuyên chưa được điều chỉnh định mức phù hợp hơn so với thực tế. Bên cạnh đó, việc triển khai thi công sửa chữa định kỳ còn bị ảnh hưởng thời tiết; chất lượng nguồn vật liệu tại một số khu vực miền núi chưa đáp ứng được yêu cầu...

Trước thực trạng trên, Ban Quản lý bảo trì đã tích cực đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì thực hiện các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường thủy nội địa trên địa bàn các huyện miền núi đảm bảo an toàn giao thông. Các đơn vị liên quan cũng thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và sửa chữa hệ thống sơn kẻ đường, sửa chữa và thay thế, bổ sung các loại biển báo bị hư hỏng, còn thiếu. Qua đó, những hư hỏng đã được sửa chữa, cơ bản mặt đường không có vị trí lún lõm cục bộ sâu, tầm nhìn thông thoáng, hệ thống an toàn giao thông cơ bản đầy đủ, sáng rõ, giao thông đảm bảo, thông suốt và an toàn. Ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban Quản lý bảo trì đã đôn đốc các đơn vị bảo trì đường bộ xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên các tuyến đường theo phương châm “bốn tại chỗ”. Phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra các đoạn tuyến, kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra do ảnh hưởng của mưa bão, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trên các tuyến đường.

Trong 6 tháng năm 2024, Ban Quản lý bảo trì đã triển khai thực hiện 17 dự án sửa chữa định kỳ, đột xuất, xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn giao thông trên các tuyến quốc lộ; thực hiện 69 dự án sửa chữa định kỳ các tuyến đường tỉnh và 1 dự án sửa chữa định kỳ các tuyến đường thủy nội địa với tổng nguồn vốn được giao 361,8 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý bảo trì, hiện đơn vị đang tích cực rà soát các tuyến, đoạn tuyến hư hỏng, xuống cấp, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông để báo cáo đề xuất cho phép đưa vào kế hoạch sửa chữa đột xuất năm 2024 và sửa chữa định kỳ năm 2025 nhằm đảm bảo an toàn công trình trong các mùa mưa bão sắp tới. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, thiết bị, máy móc phân bổ tại các hạt quản lý đường bộ để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa bão ngay khi được điều động, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-bao-duong-sua-chua-he-thong-giao-thong-mien-nui-218800.htm
Zalo