Quân sự thế giới hôm nay (5-2): Quốc gia Đông Nam Á nào sắp nhận một loạt tiêm kích F/A-18?
Quân sự thế giới hôm nay (5-2) có những nội dung sau: Quốc gia Đông Nam Á nào sắp nhận một loạt tiêm kích F/A-18? Hà Lan 'bạo chi' mua pháo phòng không Đức, trực thăng Apache của Morocco lần đầu xuất hiện công khai.
* Hà Lan “bạo chi” mua pháo phòng không Đức
Defense News dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này lên kế hoạch mua 22 hệ thống pháo phòng không di động Skyranger 30 từ hãng Rheinmetall của Đức để bảo vệ lực lượng bộ binh trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ thiết bị bay không người lái (UAV).
Trong một lá thư gửi Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Gijs Tuinman cho biết dự định sẽ chi tới 1,3 tỷ euro cho thương vụ này, trong đó việc ký kết sẽ được tiến hành vào nửa đầu năm nay và nhận bàn giao sản phẩm từ năm 2028.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho rằng hiện lực lượng vũ trang nước này đang thiếu những hệ thống di động có thể bảo vệ đầy đủ các lữ đoàn bộ binh hạng trung và hạng nặng trước UAV cỡ nhỏ và rẻ tiền, trong khi các hệ thống phòng không tầm xa lại không hiệu quả trước mối đe dọa đó.
Skyranger 30 là tháp pháo với pháo tự động Oerlikon KCA 30mm có tốc độ bắn 1.200 viên mỗi phút, tầm bắn 3.000m. Ngoài ra, tháp pháo có thể lắp đặt một bệ phóng cho 2 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger hoặc Mistral. Đạn của pháo bao gồm nhiều loại, trong đó có cả đạn gắn ngòi nổ vô tuyến định tầm, cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu gồm 252. Hệ thống còn sử dụng radar đa năng AMMR băng tần S để phát hiện các mục tiêu trên không kích thước nhỏ, cung cấp phạm vi bao quát 360 độ.
Toàn bộ tháp pháo có thể được đặt trên nhiều loại khung gầm xe bọc thép khác nhau, trong đó phiên bản mà Hà Lan dự định mua sẽ lắp trên dòng xe hỗ trợ chiến đấu ACSV G5 cấu hình bánh xích nặng 26 tấn của công ty Đức Flensburger Fahrzeugbau.
* Quốc gia Đông Nam Á nào sắp nhận một loạt tiêm kích F/A-18?
Theo Bulgarian Military, Không quân Hoàng gia Malaysia dự kiến sẽ ký một hợp đồng lớn trong năm nay để mua 30 tiêm kích F/A-18C/D. Bên bán những chiếc máy bay này là Kuwait, quốc gia đang dần thay thế chúng bằng tiêm kích Eurofighter Typhoon với số lượng 28 chiếc.
Hiện tại, Malaysia đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ Kuwait, nhưng cũng cần phải xin tất cả giấy phép từ Mỹ - nhà sản xuất F/A-18C/D - vì đây là hoạt động tái xuất.
Phía Malaysia bắt đầu xúc tiến hợp đồng F/A-18C/D với Kuwait từ tháng 10-2024. Thực chất, quốc gia Đông Nam Á đã được biên chế 8 chiếc F/A-18 từ năm 1997. Nếu không tính số này, xét về số lượng máy bay chiến đấu, hiện Không quân Hoàng gia Malaysia đang khai thác 18 tiêm kích Su-30MKM, 4 máy bay huấn luyện - chiến đấu Hawk Mk108 và 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ Hawk Mk208.
Do đó, việc bổ sung thêm 30 chiếc F/A-18C/D sẽ tăng gấp đôi đội máy bay chiến đấu sẵn sàng hoạt động của Không quân Hoàng gia Malaysia, góp phần tăng cường năng lực tác chiến trên không của quân đội nước này.
Ngoài ra, vào tháng 2-2023, Malaysia đã đặt hàng 18 chiếc FA-50 Block 20, phiên bản máy bay chiến đấu hạng nhẹ hoàn chỉnh, từ Hàn Quốc với giá 920 triệu USD. Lô 4 chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối năm sau.
* Trực thăng Apache của Morocco lần đầu xuất hiện công khai
The Defense Post cho hay, Quân đội Hoàng gia Morocco vừa công khai hình ảnh của 3 trực thăng AH-64E Apache đầu tiên mà nước này mua của Mỹ.
Theo hình ảnh, những chiếc trực thăng này xuất hiện tại một sân bay ở bang Texas, Mỹ và dường như đang chờ để được chuyển giao về quốc gia châu Phi. Chúng nằm trong hợp đồng 36 chiếc trị giá 4,25 tỷ USD giữa Rabat và Washington trong khuôn khổ chương trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) của Mỹ.
Bên cạnh số trực thăng trên, hợp đồng còn bao gồm 551 tên lửa không đối đất Hellfire, 200 tên lửa không đối không AIM-92H Stinger và 558 bộ tên lửa dẫn đường chính xác, cùng các thiết bị, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo và dịch vụ hậu cần liên quan.
Dòng trực thăng AH-64 Apache được ví như một “cỗ xe tăng bay”, có khả năng tham gia vào các cuộc tấn công hạng nặng. Sự khác biệt giữa biến thể AH-64E so với các phiên bản trước đó là việc sử dụng cánh quạt chính mới làm bằng vật liệu composite cho phép giảm thiểu tiếng ồn. Trang bị vũ khí chính của trực thăng AH-64E Guardian là súng máy bắn nhanh M230 cỡ nòng 30mm điều khiển tích hợp qua mũ phi công và rocket. Tùy vào nhiệm vụ, máy bay có thể trang bị thêm tên lửa Hellfire, Stinger... Nhờ trang bị động cơ mới, trực thăng AH-64E Apache đạt tốc độ tối đa lên tới 300km/giờ khi bay thấp, tầm hoạt động vào khoảng 2.000km.
Đặc biệt, máy bay còn có thể tích hợp hệ thống Hợp tác có người lái và không người lái (MUM-T) cho phép trực thăng điều hành bay và xem được video theo thời gian thực từ những máy bay không người lái (UAV) gần đó. Nhờ vậy, trực thăng có thể bám đuổi và tấn công các mục tiêu tốc độ cao ở khoảng cách xa bằng các cảm biến của UAV.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.