Quân sự thế giới hôm nay (4-5): Nga có tên lửa chống UAV mới?

Quân sự thế giới hôm nay (4-5) có những nội dung sau: Nga có tên lửa chống UAV mới?; Quân đội Australia thành lập đại đội xe tăng M1A2 SEPv3; Na Uy mua lượng lớn tên lửa AIM-9X.

* Nga có tên lửa chống UAV mới?

Theo Army Recognition, Fakel, một doanh nghiệp quốc phòng Nga, vừa phát triển tên lửa chống các phương tiện bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ.

Quyết định phát triển một loại tên lửa chi phí thấp và nhẹ chống các mục tiêu nhỏ, di chuyển chậm trên không của Fakel được đưa ra trong bối cảnh mối đe dọa từ UAV ngày càng gia tăng. Trong khi đó, việc vận hành và bảo trì các hệ thống phòng không như Pantsir-S1, Tor-M2 và Buk-M3 tốn kém và mất nhiều thời gian, và các loại tên lửa cũng chưa được tối ưu hóa cho các cuộc giao tranh tầm ngắn chống lại các mục này. Các hệ thống này cũng hoạt động với cấu hình tên lửa tốc độ cao, tạo ra phạm vi giao tranh và thời gian phản ứng tối thiểu khiến việc vô hiệu hóa hiệu quả các UAV ở độ cao và vận tốc thấp ở cự ly gần trở nên khó khăn.

 Hình ảnh tên lửa chống UAV mới của Nga. Ảnh: Andrei_bt X

Hình ảnh tên lửa chống UAV mới của Nga. Ảnh: Andrei_bt X

Hệ thống mới này không giống với kiến trúc của tên lửa truyền thống mà được thiết kế giống như UAV, với cánh có thể gập dễ dàng và hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dẫn quang-điện tử. Nhờ đó, hệ thống có thể phóng linh hoạt theo chiều thẳng đứng hoặc nghiêng, và điều chỉnh giữa hành trình bay một cách chính xác, dựa trên chuyển động của mục tiêu.

Với trọng lượng nhẹ hơn từ 20 đến 35 lần so với các tên lửa tầm cực ngắn hiện tại, tên lửa này có thể được mang theo dễ dàng. Mỗi binh lính thậm chí có thể mang 3–5 tên lửa trong ba lô. Nhờ vậy, các đơn vị bộ binh cấp tiểu đội, trung đội có thể chống lại UAV mà không cần phụ thuộc vào hệ thống phòng không lớn.

Ngoài ra, chi phí sản xuất tên lửa chống UAV này ước tính thấp hơn 20-25 lần so với các tên lửa đánh chặn hiện có trong kho vũ khí của Nga, cho phép sản xuất hàng loạt và triển khai ở các đơn vị tiền tuyến.

Trong khi UAV trở thành một thách thức lâu dài của chiến tranh hiện đại, cách tiếp cận mới của Fakel được đánh giá là bước đi kịp thời và cần thiết. Nó đảm bảo rằng các đơn vị chiến thuật được trang bị để giải quyết nhiều loại mối đe dọa, từ vũ khí dẫn đường tiên tiến đến các UAV thô sơ nhất. Việc phát triển và tích hợp các giải pháp chống UAV linh hoạt, chi phí thấp như vậy cũng cho thấy Nga đang hướng tới phòng thủ nhiều lớp và linh hoạt.

* Quân đội Australia thành lập đại đội xe tăng M1A2 SEPv3

Trung đoàn Kỵ binh số 2 của Quân đội Australia mới đây đã chính thức ra mắt Đại đội D vận hành xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa và cải cách cơ cấu của đơn vị này.

Việc thành lập đại đội xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 được xem là kết quả của một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Australia và Mỹ được ký kết vào tháng 1-2022. Theo hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD này, Australia sẽ mua 75 xe tăng M1A2 SEPv3 của Mỹ để thay thế cho xe tăng M1A1 Abrams cũ hơn của mình. Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm 29 xe công binh M1150, 17 xe bắc cầu M1074 và 6 xe cứu kéo M88A2. Thỏa thuận này là một phần trong chiến lược lớn hơn của Australia trong hiện đại hóa lực lượng thiết giáp hạng nặng.

M1A2 SEPv3, còn được gọi là M1A2C, đại diện cho bước tiến đáng kể trong công nghệ bọc thép, với những cải tiến lớn về khả năng sống sót, hỏa lực và kết nối kỹ thuật số so với phiên bản M1A1 tiền nhiệm. Xe tăng có hệ thống giáp thế hệ tiếp theo, thiết kế tháp pháo và thân xe được nâng cấp và cơ chế bảo vệ kíp lái được cải tiến. Một trong những cải tiến quan trọng là việc tích hợp thiết bị quan sát nhiệt độc lập cho người chỉ huy, cho phép tìm kiếm và khóa mục tiêu trong khi di chuyển. Bên cạnh đó, xe còn được tích hợp trạm vũ khí điều khiển từ xa chung, giúp cải thiện đáng kể khả năng sống sót và hỏa lực của kíp lái.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 của thuộc Đại đội D mới thành lập. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 của thuộc Đại đội D mới thành lập. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia

Biến thể SEPv3 cũng có kiến trúc điện tử nâng cao, bao gồm hệ thống kiểm soát hỏa lực nâng cấp, các mô-đun có thể thay thế bằng dây được cải tiến để bảo trì dễ dàng và nhanh hơn, và hệ thống phát điện mới được thiết kế để thích ứng với các công nghệ tương lai như vũ khí năng lượng định hướng và cảm biến tiên tiến.

Việc đưa M1A2 SEPv3 vào biên chế được xem là bước đi cụ thể của Australia trong kế hoạch loại bỏ dần 59 chiếc xe tăng M1A1 Abrams đã cũ nhằm tăng cường năng lực tác chiến thiết giáp, đảm bảo khả năng sống sót cao hơn. Việc thành lập Đại đội D là minh chứng cho cam kết chiến lược của Australia trong việc duy trì lực lượng thiết giáp hiện đại hóa, sẵn sàng chiến đấu cao, có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

* Na Uy mua lượng lớn tên lửa AIM-9X

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông qua thỏa thuận bán một số lượng lớn tên lửa AIM-9X Block II Sidewinder cùng một loạt các thiết bị hỗ trợ liên quan trị giá 370,9 triệu USD cho Na Uy.

Theo đó, hợp đồng bao gồm 300 tên lửa không đối không AIM-9X Block II, 2 tên lửa huấn luyện đặc biệt AIM-9X Block II, 24 tên lửa huấn luyện không chiến cố định CATM, 20 bộ điều khiển dẫn đường chiến thuật và 20 bộ điều khiển dẫn đường CATM. Thỏa thuận còn bao gồm các tên lửa huấn luyện mô phỏng, thùng đựng tên lửa, các mô-đun huấn luyện, phụ tùng thay thế và sửa chữa, tài liệu kỹ thuật, cùng với các dịch vụ hỗ trợ.

Na Uy mua tới 300 tên lửa không đối không AIM-9X Block II. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Na Uy mua tới 300 tên lửa không đối không AIM-9X Block II. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Thỏa thuận này phản ánh cam kết chiến lược của Na Uy trong việc hiện đại hóa lực lượng không quân và duy trì khả năng tương tác với các đồng minh NATO. AIM-9X Block II là một trong những tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường bằng hồng ngoại tiên tiến nhất hiện đang được sử dụng. Tên lửa này được đánh giá là vũ khí quan trọng cho chiến đấu trên không thế hệ tiếp theo, đặc biệt là trong các cuộc giao tranh tầm gần nhờ khả năng khóa mục tiêu vượt trội sau khi phóng.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-4-5-nga-co-ten-lua-chong-uav-moi-826823
Zalo