Quân sự thế giới hôm nay (4-2): Vì sao Mỹ mua máy bay chiến đấu F-15 EX Eagle II?
Quân sự thế giới hôm nay (4-2) có những nội dung sau: Vì sao Mỹ mua máy bay chiến đấu F-15 EX Eagle II? Iran có hệ thống phòng thủ tên lửa mới? Lockheed Martin được giao phát triển phiên bản hiện đại hóa của Trident II D5.
* Iran có hệ thống phòng thủ tên lửa mới?
Đài truyền hình quốc gia Iran mới đây đăng tải đoạn video cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao năng lực phòng không, với sự phát triển của hệ thống tên lửa Zoubin.
Được phát triển bởi các kỹ sư Iran, hệ thống phòng thủ tên lửa Zoubin là bước tiến đáng kể trong nỗ lực hiện đại hóa phòng không của quốc gia này. Zoubin tích hợp radar, bệ phóng tên lửa và trung tâm chỉ huy thành một nền tảng duy nhất có tính cơ động cao, mang lại mức độ linh hoạt chiến thuật tiên tiến. Zoubin được thiết kế đặc biệt để giải quyết các mối đe dọa do tên lửa hành trình và máy bay của đối phương bay ở độ cao thấp gây ra, vốn khó có thể đánh chặn bằng các hệ thống phòng không truyền thống.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Zoubin được lắp trên khung gầm xe tải 6x6, cấu hình cho phép di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau. Theo hình ảnh gần đây từ phương tiện truyền thông nhà nước Iran, xe tải có cabin kíp lái hoàn toàn khép kín và 1 khoang điều khiển gắn phía sau. Thiết lập này cung cấp khả năng bảo vệ cho người vận hành đồng thời cho phép chỉ huy hệ thống từ xa.
Về mặt vũ khí, Zoubin sử dụng tên lửa phóng theo phương thẳng đứng, cho phép bao quát mục tiêu 360 độ, giúp đối phó với các mối đe dọa trên không hoặc từ tên lửa một cách hiệu quả. Được trang bị hệ thống radar 360 độ, hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 30km và tấn công mục tiêu ở khoảng cách 20km. Radar có khả năng theo dõi đồng thời tới 100 mục tiêu, trong khi hệ thống có thể tấn công tới 8 mục tiêu cùng lúc. Điều này khiến Zoubin trở thành một vũ khí đáng gờm chống lại các mối đe dọa trên không.
Radar của Zoubin được trang bị hệ thống mảng pha chủ động, giúp cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu theo thời gian thực. Radar này được cho là có khả năng phát hiện tên lửa hành trình, máy bay không người lái và các mục tiêu tầm thấp khác với độ chính xác cao. Theo các quan chức Iran, phạm vi tấn công của hệ thống hiện tại là khoảng 15km, với kế hoạch mở rộng phạm vi này lên khoảng 25km trong tương lai gần.
Một trong những tính năng nổi bật của Zoubin là việc sử dụng tên lửa có bộ tìm kiếm hồng ngoại. Khác với các hệ thống tên lửa truyền thống, vốn phụ thuộc vào radar để xác định mục tiêu, bộ tìm kiếm hồng ngoại giúp tên lửa nhẹ và nhỏ gọn hơn, dễ dàng gắn lên các phương tiện di động như xe tải.
Xét về hiệu suất và khả năng hoạt động, Zoubin được đánh giá là ngang bằng với các hệ thống hiện đại khác. Việc tích hợp một hệ thống radar và tên lửa tinh vi như vậy vào nền tảng di động giúp Zoubin có lợi thế chiến lược, đặc biệt là trong các tình huống chiến đấu năng động, chuyển động nhanh, nơi tính cơ động và khả năng thích ứng là đặc biệt quan trọng.
Một trong những lợi thế chính của hệ thống phòng thủ này là khả năng tích hợp với mạng lưới phòng thủ rộng lớn hơn của Iran. Theo đó, Zoubin có thể được liên kết với các nền tảng phòng không khác của Iran như hệ thống tên lửa Majid, Mersad, Khordad 15 và 9 Dey, tạo ra một mạng lưới phòng thủ nhiều lớp, cung cấp mức độ bảo vệ cao hơn chống lại các mối đe dọa trên không.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Zoubin được đánh giá là vũ khí chiến thuật có thể triển khai nhanh chóng trong nhiều tình huống tác chiến khác nhau. Tính cơ động cao, kết hợp với khả năng phòng thủ 360 độ và hệ thống radar tiên tiến, mang lại khả năng bảo vệ các địa điểm chiến lược và căn cứ quân sự khỏi các cuộc tấn công trên không.
* Lockheed Martin được giao phát triển phiên bản hiện đại hóa của Trident II D5
Lockheed Martin vừa được Hải quân Mỹ trao hợp đồng trị giá 383 triệu USD để triển khai D5LE2, chương trình phát triển phiên bản hiện đại hóa của tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D5. Chương trình nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả của hệ thống răn đe chiến lược này cho đến năm 2084.
Trident II D5 hiện đang được sử dụng trên tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ và tàu lớp Vanguard của Anh. Được thiết kế và phát triển bởi Lockheed Martin, tên lửa đạn đạo này có tầm bắn trên 12.000km và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có thể tấn công độc lập vào các mục tiêu khác nhau. Tên lửa Trident II được trang bị đầu đạn hạt nhân W76 và W88. Tuy nhiên, tuổi thọ của chúng đã vượt quá 25 năm làm dấy lên mối lo ngại về độ tin cậy và an toàn.
Theo đó, các cải tiến bao gồm nâng cấp hệ thống điều hướng và động cơ đẩy của tên lửa. Với động cơ đẩy nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, Trident II D5 có khả năng tăng tốc nhanh chóng và có quỹ đạo được thiết kế để tránh bị đánh chặn. Hệ thống điều hướng quán tính, với các nâng cấp điện tử, giúp tăng độ chính xác.
Để hỗ trợ sản xuất và tích hợp các thành phần D5LE2, Lockheed Martin đã khởi công xây dựng một cơ sở sản xuất mới với diện tích khoảng 21.000m2 tại Titusville, Florida, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. Khi đi vào hoạt động, cơ sở này sẽ tạo ra khoảng 300 việc làm có trình độ cao. Chính quyền tiểu bang Florida, đã nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt kinh tế dự án trong việc củng cố các ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ của khu vực.
Hợp đồng này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Vào tháng 10-2024, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã trao cho Lockheed Martin Space một hợp đồng trị giá 2,1 tỷ USD để sản xuất và duy trì tên lửa Trident II D5, cũng như phát triển đầu đạn hạt nhân W93 mới và phương tiện tái nhập Mk7.
* Tại sao Mỹ lại mua máy bay chiến đấu F-15 EX Eagle II?
Trong báo cáo mua sắm quốc phòng năm 2025, Bộ Quốc phòng công bố sẽ mua thêm 18 máy bay chiến đấu F-15 EX Eagle II. Quyết định này xác nhận việc tiếp tục sử dụng máy bay thế hệ 4.5 cùng với các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 như F-35, đặt ra câu hỏi về khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được thiết kế của F-35. Ngoài ra, việc tích hợp F-15EX còn phản ánh một cách tiếp cận thực dụng, nhằm cân bằng chi phí vận hành, sức mạnh hỏa lực và sự bổ sung công nghệ giữa các loại máy bay khác nhau.
Được thiết kế để thay thế F-15C/D đã cũ, F-15 EX Eagle II đại diện cho sự phát triển công nghệ mới nhất, với sự kết hợp những tiến bộ đáng kể trong khả năng chiến đấu trên không. Một trong những cải tiến chính của máy bay chiến đấu này là hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số, buồng lái bằng kính với giao diện màn hình cảm ứng và radar APG-82 AESA mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu.
Với 2 động cơ General Electric F100-PW-229, F-15EX có hiệu suất mạnh mẽ, có thể đạt tốc độ 3.062km/giờ và phạm vi hoạt động 4.445km khi tiếp nhiên liệu trên không. Với khả năng mang tới 13.388kg vũ khí, bao gồm 12 tên lửa không đối không AIM-9 hoặc AIM-120 hoặc 24 vũ khí không đối đất, F-15EX trở thành máy bay mang tải trọng lớn nhất trong bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Mỹ. Với khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa, máy bay này rất phù hợp cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công, đặc biệt là trong các tình huống mà tàng hình không phải là yêu cầu chính.
Việc mua F-15EX diễn ra vào thời điểm chương trình F-35 đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Mặc dù sở hữu tính năng tàng hình tiên tiến và khả năng đa nhiệm, nhưng việc vận hành F-35 là rất tốn kém, với chi phí ước tính cho mỗi giờ bay là 36.000 USD.
Để giải quyết vấn đề, Không quân Mỹ đã áp dụng chính sách nhiều lớp, trong đó F-35 được ưu tiên cho các nhiệm vụ thâm nhập tàng hình và vượt trội công nghệ cao, F-15EX cung cấp khả năng tấn công và răn đe thông thường với chi phí thấp hơn. Cách tiếp cận này cho thấy rằng tàng hình, mặc dù quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất để duy trì sự thống trị trên không. Khả năng tải trọng, tính linh hoạt và chi phí hoạt động cũng là những cân nhắc quan trọng trong kế hoạch của không quân hiện đại.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.