Quân sự thế giới hôm nay (3-4): Mỹ triển khai hệ thống Patriot, THAAD đến Trung Đông

Quân sự thế giới hôm nay (3-4) có những nội dung sau: Thụy Điển phê duyệt khoản viện trợ kỷ lục cho Ukraine; Đan Mạch hiện đại hóa hải quân; Mỹ triển khai hệ thống Patriot, THAAD đến Trung Đông.

* Thụy Điển phê duyệt khoản viện trợ kỷ lục cho Ukraine

Mới đây, Chính phủ Thụy Điển đã công bố gói hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine tính đến nay, lên tới gần 16 tỷ SEK (khoảng 1,39 tỷ Euro). Gói viện trợ này giải quyết trực tiếp nhu cầu cấp thiết của Ukraine về việc tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như phòng không, pháo binh, truyền thông vệ tinh và hoạt động hải quân.

 Xe tăng chiến đấu chủ lực Stridsvagn 122 do Thụy Điển viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Army Recognition

Xe tăng chiến đấu chủ lực Stridsvagn 122 do Thụy Điển viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Army Recognition

Tính cả các khoản viện trợ trước đó được công bố vào năm 2025, tổng hỗ trợ quân sự của Thụy Điển cho Ukraine trong năm nay đã lên tới 29,5 tỷ SEK (khoảng 2,57 tỷ Euro). Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm 2022, Thụy Điển đã chi khoảng 80 tỷ SEK viện trợ quân sự cho Ukraine.

Một phần lớn trong khoản hỗ trợ này - khoảng 9,2 tỷ SEK (800 triệu euro), được dành cho việc mua sắm vật tư quốc phòng. Cơ quan quản lý vật tư Quốc phòng Thụy Điển (FMV) được phép cung cấp thiết bị từ các ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển và châu Âu, ưu tiên là các mặt hàng có thể giao nhanh chóng và quan trọng đối với các hoạt động phòng thủ của Ukraine, bao gồm đạn dược, hệ thống phòng không, thiết bị hàng hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, trang bị bộ binh và xe bọc thép.

Kể từ khi xung đột diễn ra, hỗ trợ quân sự của Thụy Điển đã phát triển từ các thiết bị bảo vệ cá nhân cơ bản và vũ khí chống tăng lên cung cấp toàn diện các hệ thống chiến đấu tiên tiến. Viện trợ ban đầu bao gồm 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 áo giáp, 5.000 mũ bảo hiểm và 135.000 khẩu phần ăn dã chiến. Khi cuộc xung đột diễn ra, Thụy Điển đã cung cấp 8 hệ thống pháo Archer, 50 xe chiến đấu bộ binh CV90 và 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Stridsvagn 122, giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến cơ động và cơ giới của Ukraine.

Thụy Điển cũng cung cấp hệ thống phòng không di động RBS-70 để chống lại các mối đe dọa trên không, cùng với nhiều loại vũ khí nhỏ, đạn dược và súng máy. Các phương tiện vận chuyển y tế và bộ dụng cụ y tế dã chiến đã được viện trợ để tăng cường chăm sóc sức khỏe trên chiến trường, trong khi thiết bị hàng hải và hệ thống liên lạc vệ tinh đáp ứng nhu cầu chỉ huy tác chiến và hải quân của Ukraine.

* Đan Mạch hiện đại hóa hải quân

Chính phủ Đan Mạch đã công bố một kế hoạch hiện đại hóa hải quân toàn diện nhằm tăng cường năng lực phòng thủ hàng hải để ứng phó với những đe dọa ngày càng phức tạp và những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ. Kế hoạch bao gồm cả các sáng kiến mua sắm ngay lập tức và các khoản đầu tư chiến lược dài hạn để đảm bảo tác chiến trong tương lai cho Hải quân Đan Mạch.

 Chính phủ Đan Mạch hiện đang thảo luận về việc thay thế đội tàu khu trục lớp Iver Huitfeldt. Ảnh: Hải quân Đan Mạch

Chính phủ Đan Mạch hiện đang thảo luận về việc thay thế đội tàu khu trục lớp Iver Huitfeldt. Ảnh: Hải quân Đan Mạch

Lộ trình trước mắt bao gồm việc nhanh chóng mua sắm thiết bị để giải quyết các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai gần, với ưu tiên bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước của Đan Mạch, bao gồm cáp và đường ống vận chuyển điện, khí đốt và dữ liệu qua vùng biển Đan Mạch. Chính phủ đề xuất mua tàu mới được trang bị máy bay không người lái và hệ thống sonar để tăng cường giám sát dưới nước và phát hiện các hoạt động của đối phương. Cùng với đó, một chương trình phát triển các hệ thống không người lái, chẳng hạn như phương tiện tự dành dưới nước và các nền tảng tự động khác, đang được triển khai để tăng cường năng lực giám sát hàng hải cả trên và dưới mặt nước.

Ngoài ra, Chính phủ Đan Mạch còn có kế hoạch mua 21 tàu mới cho Lực lượng Phòng vệ Nội địa Hải quân. Những tàu này sẽ thay thế cho đội tàu cũ để hỗ trợ các nhiệm vụ như giám sát hàng hải, an ninh cảng, cứu hộ, phối hợp chặt chẽ với Hải quân. Kế hoạch cũng bao gồm việc mua 4 tàu ứng phó môi trường hàng hải mới, chủ yếu sẽ giải quyết vấn đề ngăn chặn sự cố tràn dầu và hóa chất nhưng cũng có thể đóng góp vào các hoạt động của hải quân như rải mìn, đào tạo nhân sự và giám sát cả trên và dưới mặt nước. Bên cạnh đó, Đan Mạnh cũng có kế hoạch mua sắm thủy lôi để tăng cường phòng thủ hàng hải, dự kiến sẽ được chuyển giao trong khoảng thời gian 2027-2029.

* Mỹ triển khai hệ thống Patriot, THAAD đến Trung Đông

Theo NBC News, Mỹ đang có sự thay đổi đáng kể trong thế trận phòng thủ toàn cầu bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung Đông. Điều này bao gồm việc tái triển khai ít nhất hai khẩu đội tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (Patriot PAC-3) cùng với kế hoạch đưa hệ thống THAAD tới khu vực. Quyết định này, được Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth chấp thuận, nêu bật mối lo ngại ngày càng tăng của Washington về mối đe dọa leo thang vũ trang do lực lượng Houthi ở Yemen gây ra.

 THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Houthi phóng từ Yemen, bảo vệ lực lượng Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông với độ chính xác ở tầm xa và cao. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Houthi phóng từ Yemen, bảo vệ lực lượng Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông với độ chính xác ở tầm xa và cao. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Houthi ngày càng có nhiều động thái leo thang, tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden. Gần đây nhất, ngày 16-3, phiến quân Houthi đã phóng một loạt 18 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cùng với máy bay không người lái, nhắm vào tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ. Trước đó, ngày 15-3, Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích và tấn công bằng tàu chiến vào radar, phòng không và các địa điểm tên lửa của Houthi ở Yemen. Kể từ đó, Houthi vẫn tiếp tục đe dọa Mỹ và đồng minh trong khu vực, thúc đẩy Mỹ tăng cường các nỗ lực quân sự.

Việc triển khai các hệ thống Patriot PAC-3 và THAAD là một phần quan trọng của nỗ lực này. PAC-3, một biến thể tiên tiến của hệ thống Patriot do Lockheed Martin phát triển, sử dụng công nghệ bắn-diệt để tiêu diệt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay của đối phương đang bay tới. Thời gian phản ứng nhanh và khả năng tấn công nhiều mối đe dọa cùng lúc khiến hệ thống này trở nên lý tưởng để bảo vệ các căn cứ của Mỹ, cơ sở hạ tầng của đồng minh và các trung tâm dân cư. THAAD, cũng do Lockheed Martin chế tạo, bổ sung cho Patriot bằng cách đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao lớn hơn và tầm bắn xa hơn (lên tới 200km ở độ cao hơn 150km). Các hệ thống này cung cấp phạm vi phòng thủ tên lửa nhiều lớp, tăng cường đáng kể khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không của quân đội Mỹ ở nhiều độ cao và khoảng cách khác nhau.

Ngoài việc bảo vệ vũ khí và đồng minh của Mỹ, việc triển khai này nhằm mục đích ngăn chặn Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này mở rộng ảnh hưởng hoặc gây mất ổn định các hành lang hàng hải quan trọng. Eo biển Bab al-Mandab và Eo biển Hormuz - điểm nghẽn quan trọng đối với dầu mỏ và giao thông thương mại toàn cầu - ngày càng trở nên bất ổn do các cuộc tấn công của Houthi. Đảm bảo quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy này là mục tiêu cốt lõi của các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-3-4-my-trien-khai-he-thong-patriot-thaad-den-trung-dong-822358
Zalo