Quân sự thế giới hôm nay (29-9): Trung Quốc ra mắt phiên bản nâng cấp xe tăng ZTZ-99

Quân sự thế giới hôm nay (29-9) có những nội dung sau: Litva sẽ viện trợ hàng nghìn UAV cho Ukraine; Trung Quốc ra mắt phiên bản nâng cấp xe tăng ZTZ-99; Hải quân Mỹ hiện đại hóa tàu lớp Arleigh Burke.

* Trung Quốc ra mắt phiên bản nâng cấp xe tăng ZTZ-99

Các thông tin đăng tải gần đây cho biết, Trung Quốc đang phát triển một biến thể của ZTZ-99 được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến đánh chặn vũ khí chống tăng và 4 radar điều khiển hỏa lực. Là thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của Trung Quốc, ZTZ-99 được xem là biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhờ được trang bị các hệ thống tiên tiến về hỏa lực, khả năng cơ động và bảo vệ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực ZTZ-99 MBT mới được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến. Ảnh: Army Recognition

Xe tăng chiến đấu chủ lực ZTZ-99 MBT mới được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến. Ảnh: Army Recognition

ZTZ-99, còn được gọi là Type 99, được Trung Quốc phát triển vào những năm 1990 nhằm hiện đại hóa lực lượng thiết giáp. Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này được thiết kế dựa trên các mẫu xe tăng của Liên Xô, đặc biệt là T-72, nhưng có kết hợp các công nghệ tiên tiến, khiến phương tiện này trở thành một trong những xe tăng tinh vi nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc. Việc phát triển ZTZ-99 bắt đầu vào cuối những năm 1980 và nguyên mẫu đầu tiên được hoàn thành vào năm 1993. Sau khi trải qua quá trình thử nghiệm và tinh chỉnh nghiêm ngặt, ZTZ-99 chính thức đi vào phục vụ trong Quân đội Trung Quốc vào năm 1999.

Về khả năng chiến đấu, ZTZ-99 được trang bị pháo nòng trơn 125mm, có khả năng bắn đạn xuyên giáp APFSDS, đạn chống tăng nổ mạnh HEAT và ATGM, cho phép tấn công các loại xe bọc thép hạng nặng ở nhiều phạm vi khác nhau. Xe được bảo vệ bằng giáp composite tiên tiến và giáp phản ứng nổ (ERA), được thiết kế để chống lại các loại đạn nổ mạnh và đạn động năng. Các biến thể gần đây của ZTZ-99 đã tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động, cung cấp khả năng bảo vệ bằng cách đánh chặn tên lửa chống tăng hoặc đạn pháo đang bay tới. Xe tăng được trang bị động cơ diesel 1.500 mã lực, cho phép đạt tốc độ lên tới 80km/giờ, đảm bảo khả năng cơ động tốt trên nhiều địa hình khác nhau.

Việc bổ sung hệ thống bảo vệ chủ động vào xe tăng ZTZ-99 được đánh giá là một bước ngoặt đối với khả năng phòng thủ. Hệ thống này được thiết kế để cung cấp khả năng bảo vệ "hard-kill" (nghĩa là hệ thống chủ động chặn và phá hủy tên lửa chống tăng và các loại đạn có vận tốc cao khác trước khi chúng có thể bắn trúng xe tăng). Với hệ thống tiên tiến này, ZTZ-99 có thể chống chịu tốt hơn trước các mối đe dọa, đảm bảo xe có thể hoạt động trên chiến trường ngay cả khi phải đối mặt với các hệ thống tên lửa và đạn chống tăng mới nhất. Đặc biệt, hệ thống bảo vệ chủ động này cũng được biết đến với khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa cùng lúc, giúp tăng thêm khả năng sống sót của xe tăng trong chiến đấu.

* Hải quân Mỹ hiện đại hóa tàu lớp Arleigh Burke

Hải quân Mỹ vừa trao hợp đồng bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Halsey lớp Arleigh Burke trị giá 177,8 triệu USD cho BAE Systems.

Theo hợp đồng, xưởng đóng tàu San Diego của BAE Systems sẽ đưa tàu vào âu tàu, thực hiện công việc bảo quản thân tàu dưới nước, nâng cấp hệ thống chiến đấu Aegis với chương trình cải thiện tác chiến điện tử trên mặt nước (SEWIP Block 3), một sáng kiến quan trọng của Hải quân Mỹ nhằm nâng cao năng lực tác chiến điện tử của các tàu mặt nước. Về cốt lõi, SEWIP Block 3 tập trung vào việc cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm khả năng xác định các mục tiêu tầm thấp và có khả năng cơ động cao, đang trở nên phổ biến hơn trong chiến tranh hiện đại. Khả năng radar cũng được nâng cấp cho phép phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn và thông tin nhắm mục tiêu chính xác hơn, tạo điều kiện cho việc đánh giá mối đe dọa chính xác và phản ứng kịp thời hơn.

Hợp đồng nhằm bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hợp đồng nhằm bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Ảnh: Hải quân Mỹ

Xưởng cũng chịu trách nhiệm nâng cấp hệ thống chỉ huy và điều khiển và tân trang lại không gian sinh hoạt cho 260 thành viên thủy thủ đoàn. Công việc dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng này và sẽ tiếp tục cho đến năm 2026.

USS Halsey là tàu thứ 47 trong lớp tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh Burke và được đưa vào hoạt động vào tháng 7-2005. Đây là tàu thứ 2 của Hải quân Mỹ được đặt theo tên Đô đốc Hạm đội William F. "Bull" Halsey, người được biết đến trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Được đóng tại Pascagoula, Mississippi, tàu có tổng chiều dài 155,3m, lượng giãn nước dao động từ 8.300 đến 9.700 tấn và có kho vũ khí gồm 90 tên lửa. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke lớn hơn và được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng hơn các lớp tàu tuần dương tên lửa dẫn đường trước đây.

* Litva sẽ cung cấp hàng nghìn UAV cho Ukraine

Chính phủ Litva mới đây tuyên bố sẽ cung cấp hàng nghìn máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất GA-10-FPV-AI do quốc gia này sản xuất cho Lực lượng vũ trang Ukraine và Litva.

Theo đó, bộ quốc phòng nước này đã công bố hợp đồng trị giá 1 triệu USD với công ty sản xuất UAV Granta Autonomy có trụ sở tại Vilnius để sản xuất nền tảng UAV bốn cánh quạt GA-10-FPV-AI mới. Theo kế hoạch, tổng cộng 2.300 UAV sẽ được chuyển giao cho quân đội Litva và 5.000 chiếc sẽ được cung cấp cho Ukraine, với đợt giao hàng đầu tiên dự kiến đến Ukraine vào cuối tháng này.

Lativa sẽ cung cấp 5.000 chiếc UAV GA-10-FPV-AI cho Ukraine. Ảnh: Granta Autonomy

Lativa sẽ cung cấp 5.000 chiếc UAV GA-10-FPV-AI cho Ukraine. Ảnh: Granta Autonomy

Thông tin từ Granta Autonomy cho biết, UAV này được thiết kế theo khung máy bay bốn cánh quạt có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng và có thể mang tải trọng tối đa là 3kg.

Vào tháng 8, Bộ Quốc phòng Litva tiết lộ, UAV chiến đấu do 5 công ty của nước này sản xuất đã thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm trong môi trường chiến đấu và được chọn để triển khai cho quân đội.

GA-10-FPV-AI được cho là có khả năng hoạt động tự động trong môi trường không có hệ thống định vị GPS, có thể tùy chỉnh cho các tần số truyền video và các loại camera khác nhau. Các chuyên gia dự đoán, UAV góc nhìn thứ nhất sẽ được vận hành theo dạng bầy đàn hoặc nhóm để áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương với chi phí thấp hơn.

Litva cũng thông báo rằng, lực lượng vũ trang của nước này đang trải qua khóa đào tạo vận hành UAV góc nhìn thứ nhất chuyên biệt và có kế hoạch trang bị UAV này cho tất cả các lực lượng trong quân đội.

TRẦN HOÀI(tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-29-9-trung-quoc-ra-mat-phien-ban-nang-cap-xe-tang-ztz-99-796538
Zalo