Quân sự thế giới hôm nay (12-9-2024): Nga thử nghiệm thành công tên lửa 9M134

Quân sự thế giới hôm nay (12-9-2024) gồm những nội dung sau: Nga thử nghiệm thành công tên lửa 9M134, Mỹ triển khai pháo phản lực HIMARS ở Bộ chỉ huy miền Nam, Ukraine tích hợp súng chống tăng RPG-18 lên drone.

* Nga thử nghiệm thành công tên lửa 9M134 chống xe thiết giáp hạng trung

Cục Thiết kế công cụ Tula vừa thông báo hoàn thành thử nghiệm thành công tên lửa 9M134, một loại tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) mới được phát triển để tấn công các xe thiết giáp hạng trung.

 Tên lửa 9M134 (trái) được trưng bày bên cạnh tên lửa 9M133 Kornet tại một sự kiện. Ảnh: Bulgarian Military

Tên lửa 9M134 (trái) được trưng bày bên cạnh tên lửa 9M133 Kornet tại một sự kiện. Ảnh: Bulgarian Military

Tên lửa 9M134 nhẹ hơn gấp bốn lần so với dòng tên lửa Kornet, giúp nó trở thành một giải pháp tiết kiệm và hiệu quả hơn để tấn công các mục tiêu như xe chiến đấu bộ binh (IFV) và xe thiết giáp chở quân (APC). Tên lửa được trang bị đầu đạn nổ kép, có khả năng xuyên phá lớp giáp được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ chủ động. Hệ thống điều khiển chống nhiễu, được dẫn đường bằng laser, cho phép tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3,5km. Mặc dù nhẹ hơn “người anh” Kornet, 9M134 vẫn có thể tích hợp với hệ thống phóng tên lửa chống tăng Kornet hiện có, tăng cường tính linh hoạt trên chiến trường.

Kornet, hay còn gọi là 9M133 Kornet, là một trong những vũ khí chống tăng chủ lực của quân đội Nga kể từ khi được công bố vào cuối những năm 1990. Tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu bọc thép, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, công sự và trực thăng bay thấp.

Với khả năng tương thích cao, Kornet có thể được gắn trên giá ba chân, xe chiến đấu và thậm chí cả trực thăng, mang lại khả năng tác chiến linh hoạt. Hệ thống dẫn đường của Kornet sử dụng kỹ thuật dẫn đường bán chủ động theo đường ngắm (SACLOS), trong đó xạ thủ duy trì tia laser ngắm vào mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa thẳng đến điểm chạm. Tùy thuộc vào phiên bản, Kornet có tầm bắn lên tới 5,5km vào ban ngày và 3,5km vào ban đêm, với các biến thể hiện đại có thể đạt tầm bắn lên tới 10km.

Với tốc độ bay từ 250 đến 300m/giây và đầu đạn kép có khả năng xuyên thủng giáp cán đồng nhất (RHA) dày tới 1.200mm ở phía sau giáp phản ứng nổ (ERA), Kornet đủ sức đối phó với những xe tăng mạnh nhất trên chiến trường.

Việc thử nghiệm thành công tên lửa 9M134 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong năng lực sản xuất tên lửa chống tăng dẫn đường của Nga. Với khả năng cơ động cao, sức mạnh xuyên phá và tầm bắn xa, 9M134 hứa hẹn sẽ là một vũ khí lợi hại trên chiến trường, đặc biệt là trong việc đối phó với các xe thiết giáp hạng trung của đối phương.

* Mỹ lần đầu triển khai pháo phản lực HIMARS ở Bộ chỉ huy miền Nam

Lần đầu tiên Lục quân Mỹ triển khai hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS đến khu vực của Bộ chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) để tham gia cuộc tập trận Southern Fenix 24 (SF24). Cuộc tập trận đa phương SF24 diễn ra tại Chile từ ngày 27-8 đến ngày 6-9-2024, với sự tham gia của hơn 600 quân nhân của 3 nước Chile, Argentina và Mỹ. Cuộc tập trận nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên và khả năng phối hợp tác chiến trong tương lai.

 Hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ tham gia cuộc tập trận đa phương SF24 ở Chile. Ảnh: Army Recognition

Hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ tham gia cuộc tập trận đa phương SF24 ở Chile. Ảnh: Army Recognition

Lực lượng của Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn Pháo dã chiến số 14, đóng quân tại bang Oklahoma, đã được triển khai đến sa mạc Atacama ở vùng Tacapacá của Chile, cùng với hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS.

Hệ thống vũ khí hiện đại này do Lockheed Martin thiết kế và đã chứng minh được hiệu quả trên nhiều chiến trường. HIMARS có tầm bắn 70-84km khi bắn tên lửa phóng loạt GMLRS và lên tới 300km khi sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Tính cơ động, độ chính xác và khả năng tái triển khai nhanh chóng đã giúp HIMARS trở thành một khí tài quý của Lục quân Mỹ trong các hoạt động tác chiến hiện đại.

* Ukraine tích hợp súng chống tăng RPG-18 lên drone

Quân đội Ukraine tiếp tục thể hiện khả năng áp dụng trang thiết bị cũ vào chiến trường hiện đại. Một ví dụ điển hình là việc tích hợp súng chống tăng RPG-18 thời Liên Xô lên các thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV). Biện pháp này nhằm khắc phục hạn chế của súng chống tăng RPG-18 bằng cách điều chỉnh chúng cho phù hợp với điều kiện tác chiến hiện tại.

 Súng chống tăng RPG-18 được tích hợp lên drone FPV. Ảnh: Army Recognition

Súng chống tăng RPG-18 được tích hợp lên drone FPV. Ảnh: Army Recognition

RPG-18 là súng chống tăng do Liên Xô phát triển và cho ra mắt vào những năm của thập niên 1970. Được thiết kế như loại vũ khí dùng một lần, súng bắn loại đạn rocket 64mm với đầu đạn lõm có khả năng xuyên giáp dày 300mm. Tuy nhiên, hạn chế chính của súng là tầm bắn hiệu quả chỉ từ 135 đến 150m và đạn không có hệ thống dẫn đường. Điều này đòi hỏi xạ thủ phải tiếp cận mục tiêu trong tầm bắn hiệu quả, khiến họ dễ bị đối phương phát hiện và phản công.

Để giảm thiểu rủi ro này, quân đội Ukraine đã áp dụng một giải pháp là gắn súng RPG-18 lên các drone FPV điều khiển từ xa. Cách làm này giúp vũ khí được triển khai mà không làm lộ vị trí của xạ thủ, đồng thời cũng cải thiện độ chính xác của phát bắn. Nhờ khả năng cơ động cao, drone FPV có thể âm thầm tiếp cận mục tiêu và khai hỏa RPG-18 từ một khoảng cách an toàn, từ đó giúp giảm đáng kể rủi ro cho các lực lượng của Ukraine. Ngoài ra, không giống với nhiều loại súng truyền thống, súng gắn trên drone có khả năng tái sử dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tùy thuộc vào tình trạng thực tế.

Quyết định sử dụng súng chống tăng RPG-18 trang bị cho drone xuất phát từ việc quân đội Ukraine đang còn dự trữ lớn loại vũ khí này từ thời Liên Xô cũ.

Súng chống tăng RPG-18 được gắn lên drone đánh dấu một bước tiến mới trong chiến thuật quân sự hiện đại, nơi drone đang ngày càng đóng vai trò trung tâm. Sự kết hợp này giúp quân đội Ukraine khắc phục tầm bắn hạn chế của súng chống tăng, tấn công xe thiết giáp hoặc vị trí kiên cố của kẻ địch từ khoảng cách xa, đồng thời giảm bớt nguy hiểm cho binh sĩ. Trong các khu vực đô thị hoặc rừng rậm, nơi tầm nhìn của đối phương bị che chắn, chiến thuật sử dụng drone trở nên khó lường và hiệu quả hơn.

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-9-2024-nga-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-9m134-793921
Zalo