Quân sự thế giới hôm nay (12-2): Nga chính thức đề nghị hợp tác sản xuất Su-57 với Ấn Độ

Quân sự thế giới hôm nay (12-2) có những nội dung sau: Nga chính thức đề nghị hợp tác sản xuất Su-57 với Ấn Độ, trực thăng Anh huấn luyện tác chiến trong điều kiện Bắc Cực, Israel thử nghiệm thành công tên lửa Gabriel 5.

* Nga chính thức đề nghị hợp tác sản xuất Su-57 với Ấn Độ

Bulgarian Military cho biết, Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) thuộc Chính phủ Nga đã đề nghị Ấn Độ hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57. Điều này đã được CEO của UAC Vadim Badekha xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga.

Theo lãnh đạo UAC, Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất thường xuyên tham gia các hoạt động chiến đấu, thể hiện những phẩm chất và đặc điểm kỹ thuật tốt nhất của nó.
Vì vậy, đề nghị hợp tác phát triển và sản xuất tại Ấn Độ phù hợp với mối quan tâm lâu dài của New Delhi đối với công nghệ máy bay chiến đấu tiên tiến.

 Tiêm kích Su-57 của Nga được trưng bày tại Triển lãm Aero India 2025 tại Ấn Độ. Ảnh: The Hindu

Tiêm kích Su-57 của Nga được trưng bày tại Triển lãm Aero India 2025 tại Ấn Độ. Ảnh: The Hindu

Thực chất, Ấn Độ trước đây đã hợp tác với Nga trong chương trình Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA), nhằm mục đích phát triển một biến thể của Su-57 phù hợp với yêu cầu của Ấn Độ.

Tuy nhiên, New Delhi chủ động rút khỏi chương trình FGFA vào năm 2018 do lo ngại về chi phí, vấn đề chuyển giao công nghệ và tình trạng phát triển của Su-57 tại thời điểm đó. Đồng thời, Ấn Độ tiếp tục theo đuổi phát triển máy bay của riêng mình, bao gồm máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA).

Tuy nhiên, đến hiện tại, Su-57E - phiên bản xuất khẩu của Su-57 - đã vượt qua giai đoạn tinh chỉnh và sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt và giao hàng cho các đối tác nước ngoài có nhu cầu. Đáng chú ý, Su-57 đang được trưng bày tại Triển lãm hàng không hàng đầu châu Á Aero India 2025 tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bengaluru, Ấn Độ.

Vì thế, Bulgarian Military nhấn mạnh, đề xuất mới nhất của Nga dường như là một nỗ lực nhằm khơi dậy lại sự quan tâm đến dự án Su-57 của Ấn Độ, bằng cách chuyển giao công nghệ nhanh chóng và tổ chức lắp ráp tại các nhà máy của nước này - một yêu cầu quan trọng từ chính sách mua sắm quốc phòng của New Delhi nhằm tăng cường sản xuất trong nước theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”.

* Trực thăng Anh huấn luyện tác chiến trong điều kiện Bắc Cực

Army Recognition đưa tin, lực lượng trực thăng biệt kích (CHF) thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã được triển khai tham gia cuộc tập trận CLOCKWORK 2025 ở Na Uy, nhằm huấn luyện chuyên sâu nâng cao khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của Bắc Cực.

Cụ thể, trong cuộc tập trận này, Phi đội Không quân Hải quân số 847 của CHF, được trang bị dòng trực thăng AW159 Wildcat, tiến hành trinh sát chiến trường, chỉ thị mục tiêu và hỗ trợ hỏa lực chung cùng với lực lượng mặt đất của quân đội Anh và máy bay chiến đấu F-35A của Na Uy.

Trực thăng AW159 Wildcat của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Army Recognition

Trực thăng AW159 Wildcat của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Army Recognition

Hải quân Hoàng gia Anh đánh giá cuộc tập trận thường niên này rất quan trọng, để bảo đảm rằng lực lượng trực thăng của nước này vẫn có đủ khả năng thực hiện các hoạt động chiến đấu tại một trong những điều kiện khí hậu thách thức nhất thế giới, nơi nhiệt độ dưới 0, tuyết rơi dày và ánh sáng ban ngày hạn chế.

Trực thăng AW159 Wildcat (phiên bản cải tiến từ nguyên mẫu Westland Super Lynx 300) do liên doanh AgustaWestland giữa Anh và Italy chế tạo. Những cải tiến mới ở vật liệu chế tạo như cánh quạt bằng vật liệu composite, trực thăng không còn sợ nứt cánh quạt dẫn đến rơi rớt khi bị trúng đạn phòng không.

Máy bay này có tốc độ bay tối đa 311km/giờ, tầm bay 777km, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 6 tấn. Mặc dù là loại trực thăng cỡ nhỏ nhưng nó lại có các thiết bị cảm biến hiện đại, bao gồm hệ thống sonar chủ động.

Máy bay trang bị pháo bắn nhanh 20mm, mang được 2 quả ngư lôi Sting Ray, hoặc có thể mang 4 quả tên lửa không đối đất đa nhiệm hạng nhẹ Thales Martlet hoặc 4 tên lửa chống hạm hạng nhẹ Sea Venom.
Các vũ khí này hiệu quả trước các tàu loại nhỏ và tàu tấn công nhanh.

* Israel thử nghiệm thành công tên lửa Gabriel 5

The Defense Post dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết Hải quân nước này vừa tiếp tục tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa chống hạm thế hệ mới Gabriel 5, được lực lượng này mô tả là vũ khí tấn công hải quân hàng đầu thế giới.

Theo đó, được phóng từ một tàu hộ tống lớp Sa’ar 6 của Hải quân Israel, tên lửa đã đi theo quỹ đạo dự kiến và bắn trúng mục tiêu chính xác như đã định.

Bộ Quốc phòng Israel khẳng định kết quả này tiếp tục chứng minh khả năng phát hiện và nhắm mục tiêu chính xác vào tàu đối phương của Gabriel 5.

Một nguyên mẫu của tên lửa Gabriel 5. Ảnh: 19FortyFive

Một nguyên mẫu của tên lửa Gabriel 5. Ảnh: 19FortyFive

“Tên lửa Gabriel 5 là một thành phần quan trọng trong đội hình tấn công của Hải quân Israel, bảo đảm ưu thế trên biển của nước này. Thành công của cuộc thử nghiệm này một lần nữa củng cố khả năng chiến đấu của Hải quân Israel và nâng cao khả năng sẵn sàng đối mặt với các thách thức tác chiến trên biển”, tuyên bố nhấn mạnh, đồng thời cho biết cuộc thử nghiệm đã mô phỏng các tình huống sát thực tế nhằm mục đích cải thiện hơn nữa khả năng của tên lửa.

Tên lửa Gabriel 5 hiện có mặt trên các tàu hộ tống lớp Sa’ar 6 của Hải quân Israel, nhằm thay thế cho tên lửa thế hệ tiền nhiệm Gabriel 4 vốn được phát triển vào những năm 1990.

Theo quân đội Israel, Gabriel 5 bảo đảm duy trì ưu thế trên biển của lực lượng hải quân, bảo vệ các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Tên lửa này là thế hệ thứ 5 của dòng tên lửa chống hạm Gabriel do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) và quân đội Israel phối hợp phát triển.

Tên lửa nặng 1.250kg, dài 5,5m, phạm vi hoạt động 400km, là hệ thống tên lửa chống hạm cực kỳ chính xác, có thể được phóng từ các bệ phóng trên đất liền và trên biển.

Đầu đạn của tên lửa sử dụng thiết bị dò tìm radar chủ động, khả năng dẫn đường chính xác dựa trên hệ thống dẫn đường quán tính INS. Tên lửa được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 9-2022.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-2-nga-chinh-thuc-de-nghi-hop-tac-san-xuat-su-57-voi-an-do-815290
Zalo