Quân sự thế giới hôm nay (12-11): Nga nhận thêm máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57
Quân sự thế giới hôm nay (12-11) có những nội dung sau: Nga nhận thêm máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57; Pháp để mắt tới hệ thống pháo phản lực Pinaka do Ấn Độ sản xuất; Philippines cân nhắc mua hệ thống tên lửa Typhon MRC của Mỹ.
* Nga nhận thêm máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57
Ngày 11-11, Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) của Nga công bố đã chuyển giao một lô máy bay chiến đấu Su-35S và Su-57 mới cho Không quân Nga.
Số máy bay này đã trải qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng của đội ngũ kỹ thuật và hoàn thành các chu kỳ thử nghiệm tại nhà máy trong nhiều điều kiện hoạt động khác nhau.
Vadim Badeha, Tổng giám đốc UAC, tuyên bố rằng một lô Su-57 bổ sung cùng một lô máy bay chiến đấu thế hệ 4++ khác sẽ được giao vào cuối năm nay. Ông giải thích rằng những chiếc máy bay này hiện đang được sản xuất, một số đang trải qua các bài bay thử nghiệm cuối cùng. Badeha cũng nhấn mạnh rằng Su-57 đang được phát triển với các tính năng nổi bật của tiêm kích thế hệ 5, bao gồm khả năng tàng hình và các công nghệ thông minh, giúp máy bay có hiệu suất chiến đấu và bay vượt trội.
Lô hàng này đánh dấu lần giao hàng kết hợp Su-35 và Su-57 thứ 2 trong năm nay; lần giao hàng trước đó diễn ra vào tháng 9. Giống như các lần giao hàng khác, Nga vẫn không tiết lộ số lượng máy bay cụ thể. Đây là một chiến lược phù hợp với việc Nga tăng cường giữ bí mật về năng lực quân sự trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.
Su-35S và Su-57 Felon là hai mẫu máy bay chiến đấu chính trong lực lượng Không quân Nga. Su-35S là tiêm kích đa năng tiên tiến thế hệ 4++, trong khi Su-57 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, có khả năng tàng hình và linh hoạt cao trong các môi trường chiến đấu phức tạp. Mặc dù cả hai máy bay đều có điểm tương đồng về vũ khí và khả năng cơ động, nhưng chúng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, phù hợp với từng nhiệm vụ khác nhau.
* Pháp để mắt tới hệ thống pháo phản lực Pinaka do Ấn Độ sản xuất
Theo hãng thông tấn Ấn Độ Asian News International (ANI), Quân đội Pháp đang cân nhắc mua hệ thống pháo phản lực Pinaka của Ấn Độ do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển.
Một sĩ quan cấp cao của Quân đội Pháp cho biết, hệ thống Pinaka có thể đáp ứng các nhu cầu chiến thuật cụ thể của Pháp, đặc biệt là về khả năng cơ động và tấn công nhanh.
Pinaka là hệ thống pháo phản lực di động, được thiết kế để bắn phá, nhắm vào các vị trí, cơ sở hạ tầng và nơi tập kết binh lính của đối phương với độ chính xác cao và tầm bắn ấn tượng. Kể từ khi ra mắt, Pinaka đã trải qua nhiều lần nâng cấp với nhiều biến thể nâng cao tầm bắn và độ chính xác.
Biến thể Pinaka Mk-I có tầm bắn lên tới 40km và được trang bị nhiều đầu đạn khác nhau, như đạn nổ mạnh (HE) và đạn rải mìn chống tăng. Ngoài ra, hệ thống có thể phóng đầu đạn cháy, khiến nó trở nên linh hoạt trong nhiệm vụ tấn công và phòng thủ.
Biến thể Pinaka Mk-II mở rộng tầm bắn lên 75km. Mk-II vẫn giữ nguyên các loại đầu đạn được sử dụng trong Mk-I nhưng bổ sung thêm khả năng dẫn đường (sử dụng kết hợp hệ thống dẫn đường GPS và dẫn đường quán tính INS), giúp tăng cường độ chính xác trong các tình huống cần phải tấn công có kiểm soát và có định hướng.
Để mở rộng hơn nữa khả năng của Pinaka, nhà sản xuất hiện đang phát triển biến thể sử dụng tên lửa Pinaka dẫn đường tầm xa (ER-Pinaka), với tầm bắn dự kiến lên tới 90km, nhằm biến hệ thống này trở thành một trong những pháo phản lực linh hoạt nhất trong kho vũ khí của Quân đội Ấn Độ.
* Philippines cân nhắc mua hệ thống tên lửa Typhon MRC của Mỹ
Theo Army Recognition, Philippines được cho là đang cân nhắc mua hệ thống tên lửa đất đối đất Typhon MRC do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển.
Được biết đến với tính linh hoạt và tầm hoạt động hiệu quả, hệ thống Typhon sẽ là một vũ khí quan trọng giúp củng cố năng lực phòng thủ của Philippines trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Typhon là hệ thống tên lửa đất đối đất tầm trung, có khả năng triển khai tên lửa đánh chặn Standard Missile-6 (SM-6). Được thiết kế để sử dụng cho lực lượng hải quân, SM-6 có tầm bắn hơn 482km và có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống hạm và tấn công trên bộ. Tên lửa này có thể đánh chặn máy bay, tên lửa đạn đạo và các mối đe dọa trên biển, tạo ra lớp phòng thủ vững chắc cho Hải quân Philippines.
Typhon cũng tương thích với tên lửa SM-2 và trong tương lai, có thể tích hợp các loại đạn tiên tiến hơn như tên lửa dẫn đường tầm xa mở rộng (ERGM) hoặc tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao (PrSM), với tầm tấn công lên tới 500km.
Bên cạnh đó, thiết kế mô-đun của Typhon cũng có thể cho phép hệ thống phóng tên lửa hành trình Tomahawk, mở rộng tầm bắn từ 500 lên 1.500km, cho phép Philippines tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến lược sâu tầm xa. Bằng cách bổ sung Tomahawk hoặc các tên lửa tầm xa tương tự, Typhon sẽ chuyển đổi thành một nền tảng đa chiến trường mạnh mẽ, tăng cường khả năng răn đe chiến lược trên biển của Philippines.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.