Quan sát và bình luận: Canh bạc quyền lực
Hai tháng sau ngày bầu cử quốc hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đề cử được người làm thủ tướng chính phủ. Người này là ông Michel Barnier - 73 tuổi, rất dày dạn kinh nghiệm chính trường nước Pháp và châu Âu.
Điều nghịch lý và khôi hài trong chuyện này là ông Barnier không thuộc khối lớn nhất trong Quốc hội Pháp (liên minh cánh tả Mặt trận Nhân dân mới - NFP), chẳng là thành viên đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) lớn thứ 3 và cũng không cùng đảng phái chính trị với ông Macron (hiện ở vị trí thứ 2 trong quốc hội).
Ông Barnier thuộc Đảng Cộng hòa, xếp thứ 4 với 47/577 ghế tại Hạ viện, trong khi NFP có 193 ghế, liên minh trung dung của ông Macron có 166 ghế, Đảng RN và các đồng minh có 142 ghế. Đảng của ông Barnier và liên minh của ông Macron gộp lại cũng mới có 213 ghế, cách rất xa thế đa số tối thiểu là 289 ghế để cầm quyền.
Mất nhiều thời gian đến vậy mới đề cử được thủ tướng và người được đề cử lại thuộc đảng chỉ chiếm khoảng 8% tổng số ghế quốc hội - đủ để thấy ông Macron không còn sự lựa chọn nào khác. Qua đó cũng thấy được tình cảnh rất khó khăn và khó xử của ông Macron.
Rồi đây, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ông Macron chỉ có thể cầm quyền cho qua được 3 năm còn lại của nhiệm kỳ chứ không thể thực thi thêm những dự định cầm quyền lớn lao nào nữa, đơn giản vì phe tổng thống và phía chính phủ không có được thế đa số trong quốc hội.
Chọn ông Barnier là điều bất đắc dĩ đối với ông Macron vì có rất nhiều rủi ro lớn. Ông này vốn là đối thủ chính trị của ông Macron, thậm chí thường công khai coi ông Macron là người đã hết thời về chính trị ở Pháp.
Quan điểm chính sách của ông Barnier thiên lệch rõ ràng về phía cánh hữu trong khi "quê hương chính trị" của ông Macron là trung dung. Như thế, đồng nghĩa tổng thống và thủ tướng không hoàn toàn "cùng hội cùng thuyền" trong chuyện cầm quyền.
Rủi ro lớn hơn là việc "liên minh" Macron - Barnier không có đa số trong quốc hội. NFP chắc chắn không khi nào hậu thuẫn ông Macron và ông Barnier. Vì thế, ông Barnier và chính phủ mới thực chất sẽ phải lụy Đảng RN đến mức chẳng khác nào trở thành con tin của họ.
Đảng RN sẽ không phủ quyết ngay chính phủ do ông Barnier thành lập nhưng sẽ vờn ép ông Barnier như mèo vờn chuột trong cuộc chơi quyền lực sắp đến. Vào bất cứ thời điểm nào, Đảng RN cũng đều có thể cùng NFP lật đổ chính phủ của ông Barnier thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm trong quốc hội.
Cả ông Macron và ông Barnier đều ý thức được những rủi ro trên. Nhưng ông Macron vẫn chọn ông Barnier làm thủ tướng vì như thế vẫn còn hơn là để đất nước tiếp tục không có chính phủ và cũng chỉ như thế mới ngăn được NFP hoặc Đảng RN lên cầm quyền.
Ông Barnier chấp nhận không hủy hoại những thành quả cầm quyền của ông Macron, đặc biệt là không đảo ngược cuộc cải cách lương hưu, để được cầm quyền. Cả hai thà chấp nhận rủi ro để giữ quyền (ông Macron) và để được cầm quyền (ông Barnier)!
Không có sự ổn định chính phủ là điều gần như đã được lập trình sẵn ở nước Pháp.