Quản lý và khai thác cát sông Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả bền vững
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) vừa công bố kết quả nghiên cứu Ngân hàng cát cho ĐBSCL, đây là Ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn đồng bằng, với mục tiêu quản lý và khai thác cát bền vững ở ĐBSCL.
Cát sông không phải là nguồn tài nguyên vô hạn
ĐBSCL đang đứng trước một thách thức lớn, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế, ổn định xã hội và duy trì các chức năng sinh thái tự nhiên. Tại ĐBSCL, cát sông vốn được xem là vật liệu có giá thành rẻ, dễ khai thác tại chỗ đã trở thành thiết yếu trong xây dựng. Từ góc nhìn môi trường, cát sông là thành tố quan trọng của trầm tích cân bằng quá trình lún tự nhiên của đồng bằng, duy trì tính nguyên vẹn và khả năng chống chịu của ĐBSCL trước các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo nhận định của các chuyên gia về môi trường, khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra việc thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô là điều dễ nhận thấy tại ĐBSCL trong thời gian qua.
Theo thống kê của Viên Khoa học thủy lợi miền Nam, đến năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có 596 vị trí sạt lở bờ sông (582,7 km) và 48 vị trí sạt lở bờ biển (221,7 km) với 99 điểm được phân loại đặc biệt nguy hiểm. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của hàng triệu người dân vùng ĐBSCL, đe dọa trực tiếp hệ sinh thái, môi trường tự nhiên của vựa lúa lớn nhất cả nước.
Ông Hà Huy Anh - Giám đốc Quản lý dự án Ngân hàng cát ĐBSCL cho biết, Dự án Ngân hàng cát cho ĐBSCL được thực hiện bởi các chuyên gia từ Liên doanh Deltares (Hà Lan) và các đối tác Việt Nam, bao gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu thứ cấp để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030 - 2040, dựa trên xác định 4 yếu tố: lượng cát đổ về ĐBSCL qua 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu; lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác trong đồng bằng và lượng cát hiện có ở đáy sông.
Theo ông Hà Huy Anh, qua khảo sát thăm dò, trữ lượng cát ở đáy sông đo đạc được là 367- 550 triệu m3, nhưng cần lưu ý rằng, đây là lượng cát đã được tích lũy hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng. Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy chỉ có khoảng 0 - 0,6 triệu m3 cát đổ ra vùng ven biển mỗi năm, trong khi đó lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn đã giảm xuống còn chỉ 2- 4 triệu m3/năm, do phần lớn cát bị giữ lại ở các đập thủy điện trên thương nguồn. Như vậy có thể thấy, với tốc độ khai thác như hiện nay (30 - 35 triệu m3/năm), trữ lượng cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trước năm 2035.
Cần một ngân hàng cát của vùng ĐBSCL để quản lý và khai thác cát hiệu quả hơn
Khởi động từ tháng 3/2022, nghiên cứu xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCL là nội dung chính của Dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện. Dự án kéo dài từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2024 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.
Dự án có bốn hợp phần: Xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCl; Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của khai thác cát không bền vững; Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát không bền vững và Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng.
Báo cáo kết quả Ngân hàng cát cho ĐBSCL nhấn mạnh, tính chất xuyên biên giới, liên tỉnh của cát và khuyến nghị việc lập một kế hoạch quản lý tập trung trên quy mô vùng, dựa trên Ngân hàng cát của toàn vùng ĐBSCL, thay vì hiện chỉ quản lý và cấp phép khai thác theo từng tỉnh như hiện nay là điều rất đáng để chính quyền và ngành chức năng các tỉnh có mỏ cát lưu tâm.
Đồng thời cần công nhận cát là một tài nguyên quan trọng với các biện pháp quản lý, chế tài chặt chẽ. Song song đó, khuyến cáo các bộ, ngành trung ương hữu quan cấp bách thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển các vật liệu thay thế và giải pháp xây dựng bền vững, cũng như vận động các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mekong cùng xây dựng một Ngân hàng cát cho toàn lưu vực sông Mekong và cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên chung rất giá trị này.
Ông Marc Goichot - Quản lý Chương trình nước ngọt, WWF châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, giá trị cát sông không chỉ nằm ở giá khai thác và vận chuyển, mà còn phải tính đến những chi phí đánh đổi khi chúng ta lấy cát ra khỏi dòng sông, trong đó cái giá lớn nhất có thể là sự biến mất hoàn toàn của ĐBSCL vào cuối thế kỷ này, nếu không có những hành động cấp thiết.
Chúng tôi hiểu rằng, với nhu cầu phát triển cấp bách hiện nay, việc ngừng khai thác cát ngay lập tức là không thể, nhưng Ngân hàng cát giúp ta biết rằng, cát không phải là vô tận, việc khai thác tận thu vì lợi ích kinh tế trước mắt sẽ đem lại những hệ lụy to lớn hơn gấp nhiều lần. Với kết quả thu được qua khảo sát, thăm dò thực địa, chúng ta cần có một chiến lược sử dụng hiệu quả để bảo toàn phần lớn lượng cát còn lại, duy trì một ĐBSCL ổn định và bền vững.