Quản lý nhãn hiệu tập thể - Nâng tầm giá trị 'Chè Thái Nguyên' (bài 2): Gian nan bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Để nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè. Đến nay, tỉnh đã xác lập được quyền sở hữu trí tuệ đối với 12 sản phẩm chè bao gồm 1 chỉ dẫn địa lý, 9 nhãn hiệu tập thể (NHTT) và 2 nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý, phát triển NHTT, nhất là nhãn hiệu 'Chè Thái Nguyên' còn gặp nhiều khó khăn, bất cập...
Nhân tố quan trọng để phát triển, mở rộng thị trường
Hội Chè Thái Nguyên hiện có 129 hội viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Thời gian qua, các đơn vị hội viên Hội Chè và đông đảo người làm chè trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, nhận thức được việc đăng ký sử dụng NHTT chè Thái Nguyên là nhân tố quan trọng bảo đảm cho phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã ứng dụng thành công tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, đóng gói, thiết kế mẫu mã bao bì, logo, tem hàng hóa, quảng bá; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu NHTT từ việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ; tạo ra nhiều sản phẩm chè đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
100% đơn vị hội viên thực hiện chuyển đổi số trong quản lý tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đơn vị đã đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản xuất từ khâu canh tác, chế biến và kinh doanh trên nền tảng số. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 151 sản phẩm chè được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3-5 sao.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, khẳng định: Là đơn vị tiên phong trong sử dụng NHTT chè Thái Nguyên, chúng tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của NHTT. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm chè của HTX luôn đạt chất lượng tốt, an toàn, được khách hàng tin tưởng lựa chọn. HTX chè Hảo Đạt đang sử dụng logo và tên của NHTT chè Thái Nguyên trên tất cả sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp phép. Đơn vị cũng tích cực tham gia quảng bá và xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm mang chè Thái Nguyên đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước...
Nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” bị... xâm phạm
Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác quản lý, phát triển, bảo hộ NHTT chè Thái Nguyên vẫn gặp khó khăn, hạn chế nhất định. Nhất là việc quản lý thương hiệu, kiểm soát quy định về ghi nhãn mác hàng hóa làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên.
Một thực tế là trên thị trường đang tồn tại, lưu hành nhiều loại bao bì sản phẩm mang NHTT "Chè Thái Nguyên" không qua kiểm soát nên đã ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của chè Thái Nguyên. Các bao bì với đủ loại mẫu mã, màu sắc, kích cỡ, giá bán có gắn logo NHTT “Chè Thái Nguyên” được bày bán, in ấn khắp nơi...
Dạo quanh một vòng các quầy hàng tạp hóa tại chợ Thái (TP. Thái Nguyên), chúng tôi thấy bao bì chè Thái Nguyên được bày bán tràn lan, việc đặt mua dễ dàng với giá công khai: Túi chè đơn giản giá từ 1.400-4.000 đồng/túi, hộp sang trọng hơn từ 20.000-50.000 đồng/hộp. Hầu hết các loại đều gắn logo thương hiệu NHTT “Chè Thái Nguyên”.
Chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ), chia sẻ: Đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và giữ gìn, tuân thủ quy định về sử dụng NHTT chè Thái Nguyên. Dẫu vậy, chúng tôi cũng được khách hàng phản hồi về sản phẩm của HTX bị làm nhái từ chất lượng đến bao bì, logo thương hiệu. Tôi rất bức xúc khi bị các đối tượng lợi dụng bao bì, logo, làm hàng nhái sản phẩm bán ra thị trường...
Thực tế cho thấy, nhận thức của nhiều người sản xuất, kinh doanh chè nhất là người dân ở các vùng có chỉ dẫn địa lý, vùng sản xuất tập trung nổi tiếng vẫn mạnh ai nấy làm. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chỉ đăng ký quyền sử dụng NHTT chè Thái Nguyên khi làm các thủ tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc phối hợp kiểm tra của chủ sở hữu là Hội Nông dân tỉnh và các ban, ngành liên quan để đánh giá hiện trạng, đề ra giải pháp xử lý kịp thời vụ việc vi phạm sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên” chưa được thường xuyên, bài bản.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), cho rằng: Các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự xem việc sử dụng NHTT như là một công cụ đắc lực để phát triển. Họ cũng chưa mạnh dạn hoặc không đủ khả năng đầu tư nhà xưởng, máy móc và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Do vậy, việc phát triển quy mô cũng như phát huy lợi thế của liên doanh liên kết trong tiếp cận thị trường còn hạn chế. NHTT "Chè Thái Nguyên" mới chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền mà chưa có giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu bền vững...
Người sản xuất chưa mặn mà
Thái Nguyên hiện có 91 nghìn hộ sản xuất chè, với 235 làng nghề, 914 đơn vị sản xuất, kinh doanh chè (52 doanh nghiệp, 143 HTX, 1 liên hiệp HTX và 716 tổ hợp tác, cơ sở tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh). Trong đó, gần 54% hộ sản xuất chè đã tham gia HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, làng nghề, còn lại là tự sản xuất, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hội Nông dân tỉnh, mới có 195 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên”. Con số này thấp hơn rất nhiều so với thực tế và so với giai đoạn 2007-2010 (khi đó toàn tỉnh có 39 đơn vị, doanh nghiệp, HTX, làng nghề và 738 hộ sản xuất chè đăng ký sử dụng NHTT).
Thực tế cho thấy, một số tổ chức, cá nhân hiện chưa mặn mà với NHTT, thể hiện ở việc giấy chứng nhận sử dụng đã quá hạn nhưng không đăng ký cấp lại; nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh chè nhiều năm nhưng chưa đăng ký sử dụng NHTT chè Thái Nguyên. Câu chuyện ở Văn Hán là một ví dụ. Là xã có diện tích sản xuất chè lớn của huyện Đồng Hỷ với gần 1.000ha, 90% hộ dân sống bằng nghề làm chè. Những năm 2015 trở về trước, xã có trên 200 đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh chè đăng ký quyền sử dụng NHTT, nhưng giai đoạn 2016-2026 toàn xã chỉ còn chưa đến 50 tập thể, cá nhân sử dụng NHTT.
Theo ông Vũ Đình Chí, chủ một hộ không tiếp tục gia hạn sử dụng NHTT chè Thái Nguyên, thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng như đạt OCOP, truy xuất nguồn gốc, mã tem, mã vạch, thiết kế bao bì... Trong khi đó, để đáp ứng được các yếu tố này cần có nhân lực, hệ thống máy móc, đầu tư nhà xưởng... mà khả năng của bà con còn hạn hẹp nên khó đáp ứng. Thế nên thay vì tự chế biến thủ công để xuất bán như trước, hiện hầu hết hộ dân ở Văn Hán bán chè búp tươi.