Quản lý kiến trúc, không gian để xây dựngthành phố Nam Định hiện đại, văn minh

Để quản lý kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị thành phố Nam Định phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, các đồ án quy hoạch phân khu và thực tiễn phát triển đô thị; cụ thể hóa các nội dung kiểm soát phát triển, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa, định hướng phát triển kiến trúc tỉnh Nam Định; là căn cứ để quản lý việc lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng công trình và cấp giấy phép xây dựng, ngày 11/7/2024 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Nam Định.

Một góc Khu đô thị Dệt May trên phố Trần Phú.

Một góc Khu đô thị Dệt May trên phố Trần Phú.

Nghị quyết số 57/2024/NQ-HĐND có phạm vi áp dụng là khu vực thành phố Nam Định mở rộng, khu vực khác thuộc phạm vi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan đô thị thành phố Nam Định theo hướng hình thành đô thị vừa bảo vệ và phát huy được truyền thống lịch sử, vừa gắn với các không gian mới hiện đại, tiện nghi, thân thiện với môi trường… Theo đó, nguyên tắc quản lý kiến trúc đô thị phải tuân thủ các nguyên tắc chung như: Thiết kế kiến trúc phù hợp với Luật Kiến trúc năm 2019, các quy định pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan; phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định, đáp ứng các nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; Các công trình kiến trúc trong phạm vi áp dụng được quản lý đồng bộ về chức năng, tổ chức không gian, kiến trúc công trình, cảnh quan đô thị, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, khí hậu môi trường và các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị (nếu có) đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, đối với các khu vực có ý nghĩa quan trọng về không gian cảnh quan, khu vực có cảnh quan thiên nhiên, mặt nước; các trục, tuyến phố chính; tuyến phố đi bộ và không gian đi bộ; khu vực cửa ngõ đô thị và quảng trường đô thị; hệ thống công viên, hồ nước; công trình di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm... việc quản lý kiến trúc trong đô thị đảm bảo phù hợp theo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đã được phê duyệt và các quy định pháp lý quy hoạch hiện hành. Đó là các khu vực: Trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và hồ Vị Hoàng (được xác định bởi các tuyến đường Trường Chinh, Đặng Xuân Thiều, Hàn Thuyên, Trần Tế Xương, Mạc Thị Bưởi); trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định hiện hữu và quảng trường Hòa Bình (được xác định bởi các tuyến đường Trần Đăng Ninh, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Hà Huy Tập); Cột cờ Nam Định, Bảo tàng tỉnh Nam Định, Cung văn hóa thiếu nhi và vườn hoa Điện Biên, Đài Liệt sĩ tỉnh Nam Định (được xác định bởi các tuyến đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Máy Tơ, Tô Hiệu); Quảng trường và Nhà văn hóa 3-2, Tượng đài Trần Hưng Đạo và công viên hồ Vị Xuyên (được xác định bởi các tuyến đường Minh Khai, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Trần Tế Xương); trung tâm hành chính mới của thành phố Nam Định tại khu đô thị Thống Nhất trên trục đường Võ Nguyên Giáp; Quảng trường trung tâm Đền Trần trong tổng thể Trung tâm lịch sử văn hóa đền Trần; không gian mở nút giao (Đông A - Giải Phóng - Trần Hưng Đạo) gắn với khách sạn Nam Cường và công viên Tức Mặc (được xác định bởi các tuyến đường Trần Hưng Đạo, đường kênh, đường Bái bao quanh công viên)…

Định hướng kiến trúc tổng thể đô thị thành phố Nam Định phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, hướng sang phía Tây và Tây Bắc khu vực huyện Mỹ Lộc phát triển các khu vực đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phía Nam và Đông Nam thành phố định hướng phát triển đô thị mới và hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp. Khai thác các giá trị cảnh quan tự nhiên (sông Đào, sông Hồng, vùng cảnh quan nông nghiệp) kết hợp với các yếu tố hạ tầng khung hiện có (các Quốc lộ 21, Quốc lộ 10) và hệ thống cây xanh, mặt nước nhân tạo để tạo nên một khung liên kết giữa các khu chức năng trong thành phố. Các không gian xanh đan xen giữa các khu chức năng không chỉ là giới hạn phát triển đô thị mà còn mang ý nghĩa trải nghiệm đô thị, tạo ra các hướng nhìn khai thác tối đa giá trị cảnh quan của hệ thống không gian mở.

Mật độ xây dựng trong thành phố Nam Định được quy định thành 2 vùng chính. Trong đó vùng phát triển đô thị với khu vực xây dựng mật độ cao (45-65%) là các phường trung tâm nội thị cũ, các khu trung tâm khu đô thị tại các trục không gian chính trên tuyến đường liên khu vực…; khu vực xây dựng mật độ trung bình (30-45%) tại các phường mới nằm phía trong Quốc lộ 10 và các khu đô thị mới phía Bắc, phía Tây và Tây Nam khu trung tâm hiện hữu… Vùng phát triển đặc thù là các khu, cụm công nghiệp, kho tàng bến bãi, trung chuyển hàng hóa với mật độ xây dựng tối đa là 60%; khu vực bảo vệ di tích hạn chế xây dựng mới và có xem xét với từng công trình cụ thể; khu vực sản xuất nông nghiệp không xây dựng các công trình đô thị, công trình dân dụng, cho phép xây dựng các công trình kỹ thuật phục vụ sản xuất; khu vực ngoài đê sông Đào đoạn qua khu trung tâm thành phố tuân thủ các quy định về hành lang thoát lũ và bảo vệ đê điều; khu vực không xây dựng là hành lang cách ly các tuyến đường điện, hành lang thoát lũ của sông Đào và sông Hồng, các khu vực hành lang xanh bảo vệ kênh tiêu thoát nước trong đô thị, các hành lang xanh dọc Quốc lộ 10 và đường vành đai 2 mới của thành phố.

Các khu chức năng chính trong thành phố được quy hoạch với hình thái đô thị hiện đại, tối ưu hóa công năng sử dụng, tiết kiệm đất đai và năng lượng, tạo dựng không gian trung tâm đặc trưng, kết nối hợp lý với hệ thống không gian mở chính, tạo dựng không gian đô thị liên hoàn, phong phú. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc: các khu vực chức năng xây dựng với đặc trưng, hình thái không gian và bản sắc đô thị riêng, phù hợp với hiện trạng, đặc điểm hoạt động và chức năng hướng đến của từng khu vực; khai thác các giá trị cảnh quan tự nhiên (sông Đào, sông Hồng, vùng cảnh quan nông nghiệp) kết hợp với các yếu tố hạ tầng khung hiện có và hệ thống cây xanh, mặt nước nhân tạo để tạo liên kết giữa các khu chức năng trong thành phố Nam Định…

Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Nam Định vừa được HĐND tỉnh thông qua còn quy định cụ thể các vấn đề: khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù và các đô thị; kiến trúc các loại hình công trình; quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị; kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị… Quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng và phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025; hướng tới xây dựng và phát triển thành phố Nam Định xứng đáng là đô thị hiện đại, văn minh.

Bài và ảnh: Thành Trung,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/quan-ly-kien-truc-khong-gian-de-xay-dungthanh-pho-nam-dinh-hien-dai-van-minh-8d5093b/
Zalo