Quản lý hành nghề y dược tư nhân - Vì sao khó? (Bài 2): Còn nhiều sai phạm trong hành nghề
Có thể khẳng định, sự phát triển của hệ thống y, dược tư nhân (YDTN) đã góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động hành nghề YDTN còn nhiều hạn chế; các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt, sau đó tiếp tục lén lút hoạt động trở lại.
Vẫn còn cơ sở không phép lén lút hoạt động
Sai phạm của nhiều cơ sở YDTN đã được ngành Y tế kiểm tra và xử phạt hành chính theo quy định. Tuy nhiên, sau khi khắc phục sai phạm, nhiều cơ sở lại tiếp tục hoạt động trái phép.
Ngày 29/1/2024, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 846/QĐ-XPHC đối với Chi nhánh Thanh Hóa - Công ty TNHH Nha khoa Valis (địa chỉ tại số 198, đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) với số tiền 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng bị xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, cơ sở vẫn mở cửa đón khách.
Theo báo cáo của UBND phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, đoàn kiểm tra của phường đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện có khách chờ để thực hiện các dịch vụ khám, lắp răng. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở dừng mọi hoạt động đón tiếp khách, nếu cơ sở có dấu hiệu hoạt động sẽ phải chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cũng đã ban hành Công văn số 587/UBND-VP về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Thanh Hóa - Công ty TNHH Nha khoa Valis. Chủ tịch UBND phường Lam Sơn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để Chi nhánh Thanh Hóa - Công ty TNHH Nha khoa Valis hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Tuy nhiên, cơ sở trên vẫn không chấp hành Quyết định của UBND TP Thanh Hóa, tiếp tục cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Ngày 11/4/2024, UBND TP Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 3026/QĐ-XPHC 90 triệu đồng đối với Công ty TNHH Nha khoa Valis - Chi nhánh Thanh Hóa với hành vi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bênh và đình chỉ hoạt động 18 tháng; cơ sở không chấp hành vẫn tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Tại huyện Hoằng Hóa, chỉ ít ngày sau vụ việc xảy ra tại xã Hoằng Sơn, qua đơn thư tố cáo, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh nội dung đơn thư về hoạt động không phép của cơ sở Nha khoa Hà Nội, có địa chỉ tại thôn 6, xã Hoằng Ngọc (Hoàng Hóa).
Sau nhiều lần né tránh đoàn kiểm tra, chủ cơ sở đã thừa nhận hành vi vi phạm. Thanh tra Sở Y tế đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với chủ cơ sở thực hiện hành vi vi phạm hành chính cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, với mức phạt tiền 45 triệu đồng; đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng.
Đi tìm nguyên nhân
Hiện nay, số lượng các cơ sở y tế ngoài công lập đang có xu hướng tăng cao, khiến cho việc quản lý hoạt động hành nghề YDTN trở thành bài toán khó đối với ngành Y tế. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động thực tế của một số cơ sở YDTN đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, như không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám, chữa bệnh và cung ứng thuốc; hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn; không tuân thủ thời gian hoạt động; hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu không đúng quy định; người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt tại cơ sở trong thời gian cơ sở hoạt động mà không ủy quyền cho người khác đủ điều kiện theo quy định của pháp luật...
Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động khi chưa được công bố đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ; một số cơ sở kinh doanh dược chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu vào phần mềm liên thông dữ liệu dược Quốc gia; niêm yết giá không đầy đủ hoặc không đúng quy định; để lẫn thuốc với các sản phẩm không phải là thuốc; tình trạng bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ còn phổ biến.
Việc các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và pháp lý vẫn tồn tại như hiện nay, nguyên nhân chính vẫn là công tác quản lý vẫn còn nhiều “lỗ hổng”.
Làm việc với đoàn khảo sát của Thường thực HĐND tỉnh trong cuộc khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề YDTN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023 mới đây, đại diện lãnh đạo Sở Y tế thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý hành nghề YDTN. Đó là lực lượng cán bộ quản lý hành nghề YDTN, thanh tra y tế còn mỏng. Cán bộ tham mưu công tác y tế thuộc UBND một số địa phương thiếu ổn định, kiêm nhiệm nhiều việc (một số huyện không có cán bộ quản lý nhà nước về y tế có trình độ chuyên môn y, dược), trong khi số lượng cơ sở hành nghề YDTN nhiều và hoạt động phức tạp nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý.
Cùng với đó, một số UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề YDTN trên địa bàn theo thẩm quyền; bố trí người không có chuyên môn về y, dược theo theo dõi, tham mưu lĩnh vực y tế; còn để cơ sở không phép hoạt động, xử lý cơ sở hành nghề y, dược không phép trên địa bàn không triệt để, còn tái diễn sau xử lý.
Nhiều địa phương báo cáo không có cơ sở hoạt động không phép, nhưng Sở Y tế liên tục phát hiện có các cơ sở hoạt động không phép trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc chậm hướng dẫn, hướng dẫn chưa thống nhất một số quy định về lĩnh vực cấp phép hoạt động, cấp giấy phép hành nghề đã gây khó khăn trong việc xử lý thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Y tế.
Công tác giám sát, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật đối với việc xử lý vi phạm còn hạn chế, dẫn đến tình trạng một số cơ sở được kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ biển hiệu, chấm dứt hoạt động hoặc bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng sau đó lại treo biển và tiếp tục hoạt động.