Quản lý di sản văn hóa trong kỷ nguyên đô thị hóa

Ngày 1-8, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), Sở VH-TT TPHCM tổ chức 'Hội nghị Tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TPHCM năm 2024'. Hội nghị diễn ra trong hai ngày ( 1 và 2-8) với sự tham gia của hơn 300 cán bộ quản lý di sản văn hóa cấp cơ sở.

Tòa nhà Bưu điện TPHCM được xếp thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn

Tòa nhà Bưu điện TPHCM được xếp thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn

TPHCM hiện có 188 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố và 130 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích. Về di sản văn hóa phi vật thể, TPHCM có 6 di sản được công nhận, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là Ca trù và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

 Hội trường Thống Nhất

Hội trường Thống Nhất

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM chú trọng. Công tác quản lý và trùng tu các di tích được tiến hành thường xuyên. Nhiều địa điểm di tích văn hóa vẫn giữ được các yếu tố nguyên gốc và giá trị lịch sử, tạo cảnh quan thân thiện, môi trường hài hòa trong quá trình đô thị hóa và trở thành điểm du lịch hấp dẫn, như: Hội trường Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, chợ Bình Tây,…

Ông Nguyễn Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: “Hiện sở đang tích cực phối hợp lập hồ sơ đề nghị đưa Nghệ thuật Lân sư rồng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi xung quanh việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự tham gia của toàn xã hội. Xã hội hóa các hoạt động bảo tồn không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức tư nhân.

Các giải pháp này không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn hiện vật mà còn bao gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Điều này giúp tăng cường nhận thức và gắn kết cộng đồng với các giá trị văn hóa, phát triển di sản văn hóa thành phố trở thành tài sản quốc gia, nguồn vốn xã hội quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.

BÍCH NHÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quan-ly-di-san-van-hoa-trong-ky-nguyen-do-thi-hoa-post752093.html
Zalo