Quản lý dạy thêm, học thêm sao cho hiệu quả? (*): Lường trước những hệ lụy

Trong bối cảnh hiện tại, dạy thêm là nhu cầu có thật, cần được quản lý chặt chẽ để tránh những hệ lụy tiêu cực

Dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình học tập của nhiều học sinh (HS) ở Việt Nam.

Củng cố và nâng cao kiến thức

Là phụ huynh có con đang học thêm, tôi nhận thấy dạy thêm, học thêm mang lại một số lợi ích nhưng trên hết, phụ huynh, HS phải xác định mục đích học thêm, phương pháp học cũng như việc sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.

Nếu xác định mục đích học thêm không phải vì điểm số, tranh hạng hay đối phó mà là để nắm bắt, củng cố và nâng cao kiến thức thì HS sẽ lựa chọn môn học, nơi học, giáo viên (GV) theo nhu cầu, việc dạy thêm, học thêm sẽ không tạo ra những cái nhìn tiêu cực.

Thực tế, trong môi trường học tập chính khóa với số lượng HS đông, GV khó lòng quan tâm đến từng cá nhân, việc dạy thêm, học thêm giúp HS được tập trung hơn, giải đáp kỹ các vấn đề, giúp cải thiện kết quả học tập.

Chưa kể, tại các lớp học thêm, HS còn có thể phát triển kỹ năng tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua các môn học như toán, văn, ngoại ngữ…

Hơn nữa, các kỳ thi chuyển cấp, thi đại học luôn là áp lực lớn đối với HS lẫn phụ huynh. Học thêm giúp HS có cơ hội luyện tập thêm, làm quen với các dạng bài thi, tăng khả năng đạt kết quả cao.

Về phía GV, trong bối cảnh lương vẫn còn khiêm tốn, việc tham gia dạy thêm giúp thu nhập của GV được cải thiện, từ đó chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Dạy thêm cũng tạo cơ hội cho GV nâng cao và củng cố kiến thức chuyên môn vì phải giải quyết nhiều dạng bài tập phức tạp. Thông qua dạy thêm, GV cũng có thể giúp HS yếu kém cải thiện kết quả học tập, củng cố kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Tăng cường giám sát và quy định chặt chẽ

Tuy có những mặt tích cực nhưng dạy thêm, học thêm cũng đem lại các hệ lụy không mong muốn, đòi hỏi cần có giải pháp quản lý hiệu quả.

Một trong những mặt trái rõ ràng nhất của dạy thêm, học thêm tràn lan, môn nào cũng học, lớp nhỏ cũng tham gia là áp lực học tập đè nặng lên HS. Khi lịch học chính khóa dày đặc, việc tham gia các lớp học thêm khiến trẻ gần như không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Một vấn đề nữa là không phải gia đình nào cũng có điều kiện tài chính để cho con tham gia các lớp học thêm.

Điều này tạo ra sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các HS. Những em không có điều kiện học thêm có thể cảm thấy tự ti, thua kém so với các bạn cùng trang lứa, làm giảm động lực học tập.

Trong bối cảnh hiện tại, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, cần được quản lý chặt chẽ để tránh những hệ lụy tiêu cực. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Trong bối cảnh hiện tại, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, cần được quản lý chặt chẽ để tránh những hệ lụy tiêu cực. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều vào các môn chính như toán, văn, ngoại ngữ để chuẩn bị cho các kỳ thi lớn khiến HS bỏ quên những môn học khác, dẫn đến tình trạng học lệch. HS không còn thời gian để khám phá, phát triển các kỹ năng và sở thích khác, làm giảm sự sáng tạo và niềm vui trong học tập.

Việc GV trực tiếp dạy thêm cho HS mình đang phụ trách trong giờ học chính khóa cũng gây nhiều lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục.

Thực tế từng xảy ra việc một số GV khi dạy thêm cho chính HS của mình đã không toàn tâm toàn ý với bài giảng trong giờ học chính khóa, "giữ lại" kiến thức hoặc bài tập quan trọng để dạy trong giờ học thêm, phân biệt đối xử giữa HS học thêm và không học thêm.

Điều này khiến HS không tham gia học thêm cảm thấy "bị bỏ rơi" vì không nhận được sự hướng dẫn đầy đủ, tạo ra cảm giác bất mãn; HS và phụ huynh cảm thấy bắt buộc phải tham gia học thêm để theo kịp bạn bè, đạt được điểm số cao, trở nên lệ thuộc vào các lớp học thêm.

Khi các yếu tố tiêu cực như sự phân biệt đối xử, mất công bằng và thiếu tôn trọng từ phía phụ huynh và HS trở nên phổ biến, môi trường giáo dục sẽ không còn là nơi HS cảm thấy được khích lệ và phát triển toàn diện.

Sự suy giảm niềm tin vào GV và hệ thống giáo dục có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài. Chính vì vậy, cơ quan quản lý giáo dục cần có các biện pháp giám sát và quản lý chặt chẽ.

Cần có các quy định rõ ràng về việc dạy thêm, học thêm để bảo đảm tính minh bạch và công bằng. Tăng cường giám sát hoạt động dạy thêm, tránh tình trạng lợi dụng dạy thêm để trục lợi cá nhân. Các lớp học thêm cần được tổ chức theo nhu cầu thực tế, không ép buộc HS phải tham gia.

GV cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh, công bằng và đáng tin cậy.

Phụ huynh cần hiểu học thêm không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, đừng đặt quá nhiều áp lực lên kết quả học tập.

Một vấn đề nữa là chất lượng dạy học trong giờ chính khóa cần được nâng cao, khi đó HS sẽ không cần dựa vào các lớp học thêm để bổ sung kiến thức.

Để làm được điều này, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, cũng như cải thiện chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của HS. Khi giáo dục chính khóa được nâng cao, nhu cầu dạy thêm sẽ giảm đi, từ đó giảm bớt áp lực cho HS.

Nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa; tăng cường giám sát và quy định rõ ràng việc dạy thêm, cùng với thay đổi nhận thức của xã hội sẽ là những giải pháp hữu hiệu để quản lý tốt dạy thêm, học thêm.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-8

Châu Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quan-ly-day-them-hoc-them-sao-cho-hieu-qua-luong-truoc-nhung-he-luy-19624082820144846.htm
Zalo