Quản lý dạy, học thêm: Thuận cả đôi đường

Đầu năm học 2024 - 2025, hoạt động dạy thêm, học thêm được nhiều địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế diễn ra tràn lan.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Lâm

Quán triệt nguyên tắc tự nguyện

Tại Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn gửi nhà trường. Cha mẹ (hoặc người giám hộ) học sinh xin học thêm phải ký, ghi cam kết với nhà trường về thực hiện quy định dạy thêm, học thêm.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải có đơn đăng ký; trong đơn cam kết với nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định chung và nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm.

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Kiều Oanh cho biết: Căn cứ các quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Phú Thọ; căn cứ Kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2024 - 2025 và tình hình thực tế; căn cứ nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh, Trường THCS Hà Lộc đã xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm năm học 2024 - 2025.

Một trong những nguyên tắc được nhà trường quán triệt là nguyên tắc tự nguyện, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh, học sinh học thêm; không cắt giảm nội dung chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước chương trình…

Căn cứ đơn xin học thêm của học sinh, kết quả học tập năm học 2023 - 2024, kết quả khảo sát chất lượng đầu năm (nếu có), nhà trường sẽ phân lớp theo học lực; xét duyệt, phân công giáo viên dạy và sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với trình độ học sinh, năng lực của giáo viên.

“Giáo viên được phân công lên lớp phải có kế hoạch môn học, bài soạn theo đúng kế hoạch dạy học thêm đã được lãnh đạo nhà trường phê duyệt, bảo đảm chất lượng dạy học. Tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường kiểm tra hồ sơ. Đặc biệt, giáo viên tuyệt đối không được ép buộc học sinh lớp mình đang giảng dạy phải tham gia học thêm”, cô Phạm Thị Kiều Oanh nhấn mạnh.

Nhận định của thầy Giang Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), dạy - học thêm ngoài nhà trường hiện đã đi vào nền nếp. Số ít nếu còn giáo viên thực hiện chưa đúng quy định được nhà trường nhắc nhở kịp thời. Với dạy - học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng phải viết đơn, phụ huynh xác nhận.

Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm cũng phải viết đơn. Từ đó, nhà trường lên kế hoạch, nội dung đúng theo quy định về số buổi học tối đa/tuần, mức kinh phí của Hội đồng nhân dân tỉnh. Giáo viên tham gia dạy thêm sẽ lập kế hoạch dạy học, soạn kế hoạch bài dạy để tổ chuyên môn, ban giám hiệu duyệt. Học sinh nghèo, cận nghèo, mồ côi, khuyết tật được miễn giảm (khoảng 10%).

Để quản lý tốt hoạt động dạy - học thêm, thầy Giang Ngọc Ảnh cho rằng, cách tốt nhất là tăng cường thanh, kiểm tra. Cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất và xử lý thật nghiêm vi phạm. Giáo viên cần được yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng các quy định.

 Học sinh Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Hà Lộc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ của ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, năm học 2024 - 2025, sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị quán triệt nghiêm túc đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên quy định về dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh, sở GD&ĐT.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm tại nhà, hoặc tham gia dạy thêm tại các địa điểm chưa được cấp phép; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình GDPT chính khóa.

Nhà trường có hình thức nhắc nhở, kỷ luật phù hợp đối với giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm nếu để giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm quy định.

Đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm, sở GD&ĐT quy định rõ: Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký; đảm bảo điều kiện về không gian lớp học, phòng cháy chữa cháy và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành. Các cơ sở này phải kiểm duyệt nội dung, chương trình dạy học; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Với phòng GD&ĐT cần tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Có biện pháp chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của giáo viên, chấm dứt tình trạng giáo viên tự ý tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan, thiếu quản lý, đặc biệt ở các khu vực huyện lỵ.

Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết: Sở GD&ĐT phân quyền cho trưởng các phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức, quản lý, kiểm tra, thanh tra và chịu trách nhiệm về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài đơn vị trên địa bàn phụ trách.

Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng chú ý bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn tốt để giảng dạy đúng theo nguyện vọng và quyền lợi của học sinh. Nội dung, chương trình và kế hoạch giảng dạy phải được tổ/nhóm chuyên môn thống nhất trước khi phê duyệt và triển khai thực hiện, tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình.

Việc tham gia dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện. Thu, chi học phí dạy thêm, học thêm phải công khai theo đúng quy định và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, giáo viên. Tuyệt đối không để tình trạng giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài nhà trường.

Hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, phòng GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các trường THPT và địa phương quản lý đơn vị, cá nhân đăng ký tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định.

“Sở GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp để kiểm tra thường xuyên, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm theo thẩm quyền phân cấp”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

Liên quan đến dự thảo về quản lý dạy thêm, học thêm Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý, cô Phạm Thị Kiều Oanh bày tỏ đồng tình với quan điểm “Cấm tiêu cực trong dạy thêm học thêm, không cấm nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy, người học”.

Vấn đề quan trọng để xã hội đồng thuận với việc dạy thêm, học thêm là các cơ sở giáo dục phải có biện pháp quản lý minh bạch, chặt chẽ. Nội dung dạy thêm phải góp phần tích cực vào việc củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quan-ly-day-hoc-them-thuan-ca-doi-duong-post702202.html
Zalo