Quản lý chặt chẽ đội tàu, xử lý nghiêm các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp

Quản lý chặt chẽ đội tàu, giảm tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) là những biện pháp then chốt trong chống vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Do đó, lực lượng BĐBP đã và đang nỗ lực tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm IUU nhằm góp phần cùng cả hệ thống chính trị gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định đối với tàu cá khi khai thác trên biển. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định đối với tàu cá khi khai thác trên biển. Ảnh: Bích Nguyên

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý tàu cá

Dự kiến, trong tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC trong công tác phòng chống khai thác IUU của Việt Nam để xem xét gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam. Xác định chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai quyết liệt các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tư lệnh BĐBP về nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng 4 kế hoạch, ban hành 9 công văn, 70 điện để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU.

Số lượng tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt VMS của nước ta là hơn 29.400 tàu cá. Đến nay, tỷ lệ tàu cá lắp đặt VMS đạt 97,65%. Số còn lại chưa lắp đặt chủ yếu là các tàu đã hư hỏng, nằm bờ không đi sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị đã chú trọng công tác quản lý tàu cá, triển khai phân loại quản lý, tập trung vào nhóm tàu cá lắp đặt VMS và nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để siết chặt công tác quản lý. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng phần mềm quản lý tàu cá và nhắn tin truyền thông cho các chủ tàu cá. Hiện nay, hai bên đã phối hợp lắp đặt hệ thống phần mềm này tại 231 trạm kiểm soát Biên phòng để tích hợp công tác quản lý tàu cá trên toàn quốc. Đồng thời, nâng cấp các phần mềm hiện có tại các đơn vị để kết nối với phần mềm của Viettel nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá xuất, nhập bến ở các cửa sông, cửa lạch.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, cảng, vịnh, cửa sông, lạch, bãi ngang theo phạm vi được phân công. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát tàu cá trước khi xuất cảng, bến, cửa sông và lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Các đồn Biên phòng đã cử cán bộ tham gia hoạt động tại 57 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên toàn tuyến biển, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 14 cảng chỉ định để triển khai thực hiện Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) để truy xuất nguồn gốc thủy sản qua hoạt động cập cảng, lên cá của tàu nước ngoài khi nhập cảnh vào 14 cảng chỉ định tại Việt Nam.

Xử lý hơn 600 vụ vi phạm trong khai thác thủy sản

Theo thông tin từ Phòng Quản lý biển, Bộ Tham mưu BĐBP, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị Biên phòng đã tổ chức hơn 16.000 tổ công tác tiến hành kiểm tra, kiểm soát gần 31.000 lượt tàu cá. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, các đơn vị Biên phòng đã phát hiện, xử lý và tham mưu địa phương xử lý vi phạm hành chính 617 vụ/708 phương tiện/712 đối tượng với tổng mức xử phạt hơn 16 tỷ đồng (tăng 273 vụ/241 phương tiện/185 đối tượng so với cùng kỳ năm 2023), tịch thu 74 bộ kích điện, tước bằng thuyền trưởng 8 trường hợp.

Với tinh thần kiên quyết chống khai thác IUU, BĐBP đã xác lập, đấu tranh thành công 4 chuyên án, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 5 đối tượng về hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển chất nổ.

Cùng với việc xử lý các hành vi khai thác IUU, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi hành vi của ngư dân, xóa bỏ khai thác IUU. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị đã tổ chức hơn 10.600 buổi tuyên truyền cho hơn 219.000 lượt ngư dân. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương và đơn vị 707 giờ; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức trao tặng 13.385 lá cờ Tổ quốc; cấp phát 17.104 tờ rơi về chống khai thác IUU.

BĐBP cũng tham gia lực lượng tại Sở chỉ huy liên hợp chống khai thác IUU tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, thực hiện tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền hơn 8.000 lượt tàu cho gần 40.000 ngư dân; cấp phát gần 13.000 tờ rơi, sổ tay pháp luật, hơn 1.600 lá cờ Tổ quốc. Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 28 tàu, xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi tháo, vô hiệu hóa VMS, trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn kỹ thuật, thuyền trưởng, máy trưởng không có chứng chỉ theo quy định, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân; phát hiện, thông báo, yêu cầu hơn 6.000 chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá mất kết nối tự khắc phục, mở lại kết nối theo đúng quy định.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất cảng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành thủy sản tham mưu cho chính quyền địa phương tổng kiểm tra, rà soát tàu cá "3 không", tàu cá đã bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ trên phạm vi toàn quốc để có biện pháp quản lý chặt chẽ tàu cá theo đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-ly-chat-che-doi-tau-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post478036.html
Zalo