Quản lý cán bộ theo vị trí việc làm, đổi mới tuyển dụng công chức
Luật Cán bộ, công chức 2025 bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí cán bộ vào vị trí việc làm nào thì xếp ở ngạch công chức tương ứng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long giới thiệu nội dung mới của Luật.
Sáng 3/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Cán bộ, công chức năm 2025, có hiệu lực từ 1/7/2025.
Giới thiệu về nội dung của luật, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đề cập nhiều nội dung mới.
Như, quy định liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã để thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh.
Quy định chuyển tiếp cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật hiện hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định mới của Luật Cán bộ, công chức nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ đào tạo mà không yêu cầu về thời gian công tác, tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức.
Nội dung mới tiếp theo là việc chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Với Luật Cán bộ, công chức 2025, khái niệm vị trí việc làm đã được hoàn thiện. Vị trí việc làm công chức được phân loại thành 3 nhóm, gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Luật cũng bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí cán bộ vào vị trí việc làm nào thì xếp ở ngạch công chức tương ứng.
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức cũng là một trong những nội dung mới đáng chú ý.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Luật quy định nguyên tắc, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và phương thức, thẩm quyền tuyển dụng theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được xếp ở ngạch công chức tương ứng và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Luật cũng không quy định kiêm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, quản lý công chức.
Lần sửa đổi này, theo Thứ trưởng, đã hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Luật quy định chính sách đối với 2 nhóm đối tượng gồm: Nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, và nhóm đối tượng là người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Cơ quan quản lý công chức cũng được ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức đối với doanh nhân tiêu biểu; luật gia, luật sư giỏi, xuất sắc; chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.
Nhân lực chất lượng cao cũng có thể được ký hợp đồng để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.
Luật Cán bộ, công chức 2025 bổ sung quy định cán bộ được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo hoặc đã thực hiện theo đúng quy định, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại vì lý do khách quan.
Để đánh giá và sàng lọc cán bộ, công chức, Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI); sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Đồng thời, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Liên quan quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, điểm mới là Luật đã lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý; không tiếp tục quy định hạ bậc lương là một hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, đồng bộ với sử dụng kết quả đánh giá công chức theo quy định mới của Luật.
Ngoài ra, Luật quy định đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ, bổ sung quy định về nghĩa vụ ứng dụng khoa học, công nghệ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong đánh giá công chức…