Quân khu 5: Sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Cục Chính trị Quân khu (QK) 5 đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xây dựng các video ngắn, tranh cổ động, tuyên truyền về pháp luật đăng trên các trang, nhóm Zalo, Facebook, Mocha của các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo mở mục 'Hỏi - đáp pháp luật' trên fanpage tài khoản Facebook 'Đất và Người Khu 5' vào Chủ nhật hàng tuần, tạo được lượng tương tác lớn, hiệu quả.
Nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp
QK5 nằm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, có đường biên giới đất liền giáp hai nước bạn Lào và Campuchia; phía Đông tiếp giáp biển Đông và là “mặt tiền”, “cửa ngõ” thông ra biển của đất nước, đặc biệt có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - tiền tiêu của Tổ quốc.
Khu vực có đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa cùng tồn tại, nhưng phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã, đồng bằng, ven biển. Những đặc điểm đó tạo cho khu vực vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (Đề án 1371), QK5 đã chủ động phối hợp chặt chẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp; nhất là đã tập trung vào các phần việc cụ thể gắn với các hoạt động thực tiễn, thiết thực với đời sống của đối tượng thụ hưởng.
Các đơn vị sau khi khảo sát, lựa chọn đối tượng sẽ xác định nội dung tuyên truyền, hình thức, phương pháp tiến hành phù hợp đối tượng và địa bàn. Nổi bật là đã tổ chức tốt các câu lạc bộ, tổ tư vấn pháp luật lưu động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên tổ chức 72 buổi biểu diễn văn nghệ kết hợp các đợt làm công tác dân vận; tổ chức sôi nổi các hoạt động sân khấu hóa, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hội thi, hội diễn...
Xây dựng hệ thống truyền thanh địa phương, tuyên truyền lưu động tại các địa điểm đông người bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số... tạo sức lan tỏa lớn trong lực lượng vũ trang (LLVT) QK5 và Nhân dân trên địa bàn.
Tại Đắk Lắk, xuất phát từ thực tiễn, để bà con tin và nghe theo, LLVT tỉnh đã phối hợp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp tuyên truyền, PBGDPL thông qua trực tiếp tư vấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu; lồng ghép tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cố định, tổ chức chiếu phim lưu động và các hoạt động sân khấu hóa... với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức của Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, chú trọng triển khai bằng các hoạt động trực quan sinh động như thông qua công tác dân vận, xây dựng các công trình dân sinh thiết thực.
Tuyên truyền theo cách gần gũi đời thường, sinh động, hấp dẫn
Tại Quảng Nam, với vai trò nòng cốt, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 1371 chỉ đạo mỗi địa phương cấp huyện xây dựng ít nhất một tình huống pháp luật sát thực tế, dàn dựng thành tiểu phẩm, kịch bản video clip đăng trên mạng xã hội. Các nội dung đăng tải vừa gần gũi với đời thường, vừa sinh động, hấp dẫn lại rất thuận tiện, giúp mọi người dân đều có thể theo dõi, tiếp cận.
Đại tá Lương Đình Chung, Phó Chính ủy QK5, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 1371 QK5 cho biết, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, huy động tối đa nguồn lực; gắn việc thực hiện đề án với tham gia thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 các cấp đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, mời báo cáo viên là lãnh đạo các cơ quan tư pháp QK, sở, ban, ngành địa phương trực tiếp bồi dưỡng nội dung, nâng cao kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong giai đoạn 1 thực hiện đề án (2021 - 2024) đã tổ chức 178 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 10.700 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Xác định yếu tố con người là then chốt, 3 năm qua, Cục Chính trị QK5 đã chỉ đạo mở 6 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và 44 lớp kiến thức dân tộc cho hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền pháp luật.