Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: Hữu nghị và thiết thực

Nước Nga có tới 70% diện tích nằm ở châu Á, vì vậy, hướng tới châu lục này luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Moscow. Quan hệ Việt Nam - Liên bang (LB) Nga càng trở nên khắng khít hơn sau khi Liên Xô trước đây và LB Nga sau này dành sự giúp đỡ to lớn cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tái thiết đất nước.

Đoàn nghệ thuật Nga trình diễn tại Hà Nội trong sự kiện Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2023. Ảnh: VGP

Đoàn nghệ thuật Nga trình diễn tại Hà Nội trong sự kiện Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2023. Ảnh: VGP

Gắn bó chặt chẽ

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Nga luôn đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đại sứ Gennady Bezdetko khẳng định, phát triển các mối quan hệ đa dạng với Việt Nam đã và đang là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga, vì lợi ích của cả hai nước.

Quan hệ giữa Moscow và Hà Nội được trui rèn trong những năm gian khổ trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và nền độc lập, cũng như công cuộc tái thiết thời hậu chiến trong nửa cuối thế kỷ 20. Các mối quan hệ đó luôn có tính chất truyền thống và vững bền.

Trong năm 2023, hai nước kỷ niệm 100 năm Ngày Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến Petrograd. Sự kiện này là khởi đầu của tình hữu nghị dài lâu giữa hai quốc gia. Năm 2024, hai nước cùng kỷ niệm 74 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga (30-1-1950 - 30-1-2024), 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga (1994-2024). Hai bên đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, quân sự trong điều kiện địa chính trị mới, chia sẻ cách tiếp cận chung đối với nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế.

Theo Đại diện Thương mại Nga Kharinov Vyacheslav Nikolaevich, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do đã ký giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam, các bên hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2025. Riêng hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Nga có tiềm năng rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, dược phẩm, công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Trong lĩnh vực văn hóa, thông qua Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai bên được tổ chức, qua đó góp phần làm cho hai dân tộc, hai quốc gia trở nên ngày càng gần gũi. Nổi bật trong năm 2023 có sự kiện “Những ngày văn hóa Nga” tại Hà Nội và Hạ Long (tháng 7-2023), các buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật nổi tiếng “Dàn đồng ca Turetskiy” tại Hà Nội và TPHCM (tháng 11-2023).

Hai nước đang duy trì sự đối thoại chính trị thường xuyên từ cấp độ địa phương đến cấp cao. Điều này cho phép thực hiện hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được. Nga hy vọng sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa các đoàn đại biểu của hai nước trong năm 2024.

Nga cũng đang khôi phục lại dòng khách du lịch Nga đến Việt Nam (trước đại dịch Covid-19, hàng năm có hơn 650.000 lượt du khách Nga đến Việt Nam). Moscow cũng dành sự quan tâm có tính truyền thống cho sự phối hợp hành động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực. Hàng năm, Chính phủ LB Nga đều dành 1.000 suất học bổng cho công tác đào tạo các sinh viên Việt Nam tại các trường đại học hàng đầu của Nga.

Triển vọng hợp tác kinh tế số

Tháng 4 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến chủ đề “Triển vọng hợp tác kinh tế số (KTS) Việt - Nga”, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp của cả hai nước. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Nga đều đặc biệt quan tâm tới việc phát triển các nền tảng KTS để tăng cường hoàn thiện và phát triển nền KTS, coi đây là lĩnh vực có thể giúp tăng mạnh GDP của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nga rất khả thi và nhiều triển vọng.

 Du khách Nga nhận nón lá Việt Nam khi đến du lịch tại Khánh Hòa. Ảnh: CỤC DU LỊCH VIỆT NAM

Du khách Nga nhận nón lá Việt Nam khi đến du lịch tại Khánh Hòa. Ảnh: CỤC DU LỊCH VIỆT NAM

Theo Bộ TT-TT, tỷ trọng KTS trong GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, tốc độ phát triển KTS đạt bình quân 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2023 ở mức 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022. Năm 2023, Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

KTS tại Nga cũng phát triển mạnh mẽ. Quy mô kinh tế Internet của Nga năm 2023 ước đạt 16.400 tỷ ruble (khoảng 200 tỷ USD), tăng 35% so với năm 2022 và cao hơn 2 lần so với năm 2019. Tăng trưởng mạnh nhất trong kinh tế Internet tại Nga là lĩnh vực thương mại điện tử với tổng doanh thu năm 2023 đạt 15.400 tỷ ruble. Xuất hiện nhiều website thương mại điện tử uy tín như Ozon, Wilberries, Yandex…

Nga cũng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thành phố thông minh, chính phủ điện tử với nhiều đô thị có ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Moscow, St. Petersburg… Chính vì vậy, triển vọng phát triển kinh tế số ở mỗi nước và cơ hội thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đầy tiềm năng này ngày càng nhiều. Hiện đã có một số dự án hợp tác kinh tế số đang được triển khai giữa hai nước, như trong các lĩnh vực an ninh mạng, thành phố thông minh, số hóa ngân hàng, kinh doanh kỹ thuật số giải pháp…

Bên cạnh đó là những lĩnh vực triển vọng khác đối với hợp tác kinh tế số như tài chính, y tế, nông nghiệp, vận tải, năng lượng, môi trường và sản xuất.

Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi cho rằng, kinh nghiệm phát triển đồng rouble KTS của Nga là rất bổ ích và Việt Nam cũng muốn được tham gia vào quá trình thử nghiệm đồng rouble KTS của Ngân hàng trung ương Nga.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quan-he-viet-nam-lien-bang-nga-huu-nghi-va-thiet-thuc-post744920.html
Zalo