Quan hệ Mỹ-EU: Đồng minh khó như xưa
Khác với Trung Quốc, dù đã thực hiện nhiều nỗ lực để xóa bỏ thuế quan do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa châu Âu, EU vẫn chưa đạt bước đột phá nào.

Trước những thách thức từ Mỹ, EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Quan hệ đồng minh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ rạn nứt. Những động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng thậm chí như đang châm ngòi cho một cuộc đối đầu kinh tế - chính trị gay gắt. Ngày 12/5, chỉ vài giờ sau khi Washington và Bắc Kinh đồng ý cắt giảm thuế đối ứng và hạ nhiệt cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump nói: “EU còn khó đàm phán hơn Trung Quốc”.
Tái diễn đối đầu
Giới quan sát cho rằng, bình luận của ông chủ Nhà Trắng dường như đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về lập trường, khác xa so với đánh giá tích cực của ông về Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ít ngày trước đó. Ông Trump từng ca ngợi Chủ tịch EC là “người tuyệt vời”, hy vọng sẽ sớm gặp.
Vậy mà, đến nay, dù Tổng thống Mỹ đã gặp nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng vẫn chưa có cuộc gặp riêng nào với bà Chủ tịch EC.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn FT ngày 13/4, khi đề cập “đòn” thuế đối ứng và triển vọng đàm phán song phương Mỹ - EU, bà Ursula von der Leyen khẳng định - “Quan hệ hai bờ Đại Tây Dương khó bình thường trở lại. Đây là bước ngoặt trong quan hệ với Mỹ. Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại như xưa được nữa”.
Chỉ mới đây, bà Ursula von der Leyen cứng rắn nói rằng, bà sẽ chỉ gặp nhà lãnh đạo Mỹ nếu có một gói thương mại “cụ thể” mà hai bên đàm phán được.
Brussels thậm chí đưa ra một danh sách nhượng bộ tiềm năng, trong đó có việc nới lỏng quy định và thực hiện nỗ lực chung để hạn chế hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Diễn biến mới nhất, ngày 8/5, EU cảnh báo áp thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 95 tỷ Euro (107 tỷ USD) của Mỹ nếu các cuộc thương thuyết thất bại. Danh sách áp thuế dài 218 trang được công bố, nhằm gia tăng áp lực, buộc Washington phải đạt được một thỏa thuận.
Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro thẳng thừng chỉ trích động thái này của EU, coi đây là “hành vi khiêu khích”.
Đây không phải lần đầu sóng gió nổi lên trong quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu đầu tiên của ông Trump, căng thẳng thương mại từng dẫn đến những màn “ăn miếng, trả miếng”, kéo theo tổn thất kinh tế với cả hai bên. Giới phân tích cho rằng, EU đã lường trước nguy cơ tái diễn cuộc chiến không mong muốn này, song đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas nhắc lại rằng “không bên nào thắng trong các cuộc chiến thương mại”.
Nhận định này càng đúng khi quan hệ kinh tế Mỹ - EU vốn được xem là một trong những động mạch chính của nền kinh tế thế giới với kim ngạch trao đổi thương mại đạt khoảng 1.500 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat).
Là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, Mỹ và EU phải gánh chịu hậu quả rất lớn nếu cuộc chiến thuế quan nổ ra. Đối với EU, nguy cơ bùng nổ căng thẳng thương mại đến vào thời điểm khối này đang đứng trước hàng loạt thách thức. Các đầu tàu kinh tế Pháp, Đức đều trong tình trạng rối ren với suy thoái, thâm hụt ngân sách, nợ công…
Năm 2024, EU chỉ tăng trưởng 0,7%, sau khi ghi nhận mức 0,4% vào năm 2023. Fitch Ratings cảnh báo, đòn thuế quan của Mỹ sẽ làm những thách thức tăng trưởng của châu Âu thêm nghiêm trọng, nhất là đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, như Đức.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, Mỹ khó tránh khỏi hệ lụy từ xung đột thương mại và không loại trừ khả năng phải đối mặt thuế trả đũa từ EU.
EU tìm bạn mới
Trước những thách thức từ Mỹ, EU rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Khối này phải đối mặt với sự phân mảnh nội bộ, sự trỗi dậy của các phe phái hoài nghi châu Âu và phối hợp không ăn ý giữa các quốc gia thành viên.
Chẳng hạn, Pháp - dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, thúc đẩy chủ quyền kinh tế và kêu gọi các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ. Trong khi đầu tàu kinh tế châu Âu - Đức lại tỏ ra thận trọng, lo ngại về chiến tranh thương mại. Mỗi quốc gia thành viên đều có quan điểm và lợi ích khác nhau, khiến việc xây dựng một phản ứng thống nhất trở nên khó khăn.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc nổi lên như “người chơi” thứ ba, khéo léo tận dụng tình hình thúc đẩy lợi ích của mình.
Phó Giám đốc nghiên cứu tại Viện châu Âu, Viện hàn lâm khoa học Nga (IERAS) Vladislav Belov nhận định, những thay đổi chính sách của Tổng thống Trump, đặc biệt là chiến lược thuế quan đối ứng và học thuyết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAWA), sẽ đặt EU vào thế khó, buộc khối này phải lựa chọn giữa việc thích ứng với các “luật chơi” của Mỹ hoặc tìm kiếm con đường tự chủ chiến lược.
Để tránh rủi ro, các nhà lãnh đạo EU đang tìm cách thoát ra khỏi những rắc rối với Mỹ. Nhiều người ủng hộ, chọn đàm phán thay vì đối đầu là bước đi cần thiết để tránh được những “cơn sóng dữ” làm xáo trộn quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Nhưng ở một nỗ lực khác, như Ủy viên châu Âu về quan hệ đối tác quốc tế Jozef Sikela nhấn mạnh việc EU “kiên định, giữ vững các giá trị cốt lõi và sẵn sàng góp phần định hình tương lai” giữa lằn ranh bất ổn với Mỹ. EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), thiết lập các FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, New Zealand...
EU cũng đang rốt ráo xúc tiến đạt thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với Australia, Malaysia và Philippines. Đồng thời, EC đã nối lại các cuộc thương thảo đầy tham vọng với Ấn Độ và Indonesia.
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế cho rằng, quá trình này không hề đơn giản. Sự hấp dẫn của thị trường Mỹ khiến hầu hết các quốc gia đều nỗ lực giữ kênh đối thoại mở để khôi phục quan hệ thương mại, trong khi EC lại đặt ra nhiều điều kiện, tiêu chuẩn mới thường làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán.
Các quốc gia đang phát triển ngày càng ý thức được giá trị của mình và nhận thấy EU cần họ hơn bao giờ hết. Do đó, các nhà đàm phán EU cần linh hoạt hơn trong thiết lập những quy tắc và tiêu chuẩn (phi kinh tế), chẳng hạn, chính sách thuế carbon hay quy định xuất xứ, khó có thể áp dụng cứng nhắc cho mọi hoạt động thương mại.
Như vậy, đàm phán thương mại giữa Mỹ - EU hiện nay đang đối mặt nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội để hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác và tìm kiếm giải pháp công bằng, bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng, việc Mỹ - EU hợp tác chặt chẽ không chỉ mang lại lợi ích cho hai bên mà còn góp phần duy trì trật tự thương mại quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.