Quan hệ Mỹ - châu Âu: Góc nhìn tham chiếu

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại nắm quyền nhiệm kỳ 2, nhận thức của Mỹ dường như đã thay đổi khác. Nước này không còn theo đuổi mục tiêu lãnh đạo toàn cầu, không còn tích cực truyền bá cái gọi là các giá trị dân chủ tự do phương Tây và đề xướng 'trật tự quốc tế tự do', không còn phân biệt đồng minh quan trọng hay đối thủ. Ngược lại, nước Mỹ giờ quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của họ, chú ý nhiều hơn đến các vấn đề nội bộ.

Dấu ấn cá nhân

Do đó, phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ 2 này đã bộc lộ sâu sắc, thúc đẩy toàn diện khẩu hiệu kinh tế “Nước Mỹ trước tiên”, thúc đẩy phục hồi sản xuất trong nước, bảo vệ sản xuất trong nước và cơ hội việc làm của người lao động, ban hành các chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp và nhóm thu nhập cao. Những chính sách trong nước này cũng tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ, hậu quả trực tiếp là chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế nhập khẩu đối với các nền kinh tế lớn với lý do làm gây ra thâm hụt thương mại, sử dụng doanh thu từ thuế đó bù đắp thâm hụt tài chính do kế hoạch phục hồi sản xuất trong nước và giảm thuế gây ra, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra xung đột thương mại và chiến tranh thuế quan.

Nhiều động thái của ông Trump sau khi nhậm chức đã phá vỡ hi vọng của các nước châu Âu về mối quan hệ như đã diễn ra.

Nhiều động thái của ông Trump sau khi nhậm chức đã phá vỡ hi vọng của các nước châu Âu về mối quan hệ như đã diễn ra.

Quan điểm của ông Trump cho rằng các đồng minh châu Âu đang lợi dụng Mỹ trong các lĩnh vực an ninh, thương mại... Trong nhiệm kỳ đầu, ông tuyên bố ngành ô tô Đức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích rằng “Quốc phòng của Đức được tài trợ hoàn toàn bởi những người nộp thuế Mỹ”. Các nhân vật như JD Vance, Elon Musk... cũng ủng hộ đảng dân túy cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức hồi tháng 2, chỉ trích châu Âu không tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận, mất kiểm soát về vấn đề nhập cư và “từ bỏ các giá trị cơ bản”, thể hiện rõ thay đổi trong nhận thức của giới tinh hoa chính trị mới của Mỹ về vai trò của châu Âu.

Dưới tác động của những thay đổi trong nhận thức về vai trò của châu Âu, Mỹ đã có những điều chỉnh lớn trong chính sách đối với châu Âu. Không giống như chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, ông Trump thực thi toàn diện tư duy “cuộc đọ sức sống còn” trong quan hệ đối ngoại. Phong cách ngoại giao của ông là khó đoán và mang tính giao dịch, có xu hướng đánh giá quan hệ song phương và đàm phán dựa trên sức mạnh tuyệt đối, gây sức ép bằng nhiều biện pháp cứng rắn để chiếm lợi thế. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách tương tác giữa Mỹ và châu Âu. Chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng có những điều chỉnh lớn, nước này đang thúc đẩy sự thu hẹp chiến lược đồng thời với việc củng cố pháo đài địa chính trị Bắc Mỹ, giảm đầu tư nước ngoài về tổng thể, chuyển nguồn lực chiến lược từ châu Âu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời giảm bớt sự hợp tác quân sự và an ninh với châu Âu.

Những rạn nứt

Cùng với sự thay đổi trong định hướng chính trị tại Mỹ, châu Âu phải đối mặt với nhiều bất ổn và bất định hơn, xung đột châu Âu - Mỹ trên nhiều lĩnh vực ngày càng gia tăng, hai bên ngày càng xa cách nhau. Về chính trị, châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh cơ bản, ít có khả năng Mỹ chính thức rút khỏi cơ chế phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), châu Âu cũng sẽ tăng đầu tư quốc phòng trong khuôn khổ NATO.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ đã làm xói mòn nền tảng về ý thức hệ và hệ giá trị chung giữa châu Âu và Mỹ, sự điều chỉnh trong định hướng chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng làm suy yếu vị thế của châu Âu. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chia rẽ châu Âu, thiên vị, lôi kéo một số quốc gia thành viên EU và các lực lượng đảng phái có cùng quan điểm, như Ba Lan, Cộng hòa Séc và các nước Baltic đã đầu tư đạt chuẩn về chi tiêu an ninh quân sự, cũng như các nước Trung và Đông Âu trung thành với Mỹ và các lực lượng bảo thủ cánh hữu thân thiện với Mỹ như chính quyền bà Giorgia Meloni ở Italy và ông Viktor Orban ở Hungary. Đồng thời, họ sẽ gây sức ép đối với các nước “châu Âu cũ” như Pháp và Đức, gây chia rẽ sâu sắc thêm châu Âu.

Lính Mỹ (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm với người lính Ba Lan về cách sử dụng súng chống tăng trong khuôn khổ huấn luyện của NATO.

Lính Mỹ (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm với người lính Ba Lan về cách sử dụng súng chống tăng trong khuôn khổ huấn luyện của NATO.

Về mặt an ninh, Mỹ đã điều chỉnh quan điểm đối với NATO như một cơ chế an ninh tập thể của phương Tây, đe dọa sẽ chỉ trợ giúp bảo vệ an ninh cho các đồng minh đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng và yêu cầu các nước châu Âu chia sẻ nhiều trách nhiệm an ninh hơn. Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine về quân sự, nhân đạo và kinh tế nhiều hơn so với các cường quốc châu Âu như Đức, Anh hay Pháp. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, ông bắt đầu cắt giảm mạnh viện trợ cho Ukraine, khiến cuộc khủng hoảng an ninh của châu Âu trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Về mặt kinh tế và thương mại, Mỹ thu hút các công ty châu Âu tăng đầu tư vào nước này để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đồng thời đe dọa giảm thâm hụt thương mại bằng cách nâng cao mức thuế quan. Trong số nhiều nước châu Âu, Đức là nước đầu tiên chịu gánh nặng áp lực to lớn từ cuộc chiến thuế quan giữa châu Âu và Mỹ. Năm 2024, thặng dư thương mại của Đức với Mỹ đạt mức cao kỷ lục là 71,4 tỷ euro, trở thành quốc gia châu Âu có thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ.

Hiện nay, Đức đã rơi vào suy thoái kinh tế trong 2 năm liên tiếp, nước này rất muốn nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách ngành nghề, kinh tế và thương mại “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã kéo dòng vốn tiếp tục đổ về Mỹ; Đức và Mỹ cũng có thể bị cuốn vào cuộc xung đột thương mại kéo dài, điều này sẽ tác động thêm đến các ngành sản xuất của Đức có thế mạnh như ô tô và thép, dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ. Tác động này sẽ càng gây bất lợi cho nền kinh tế Đức, vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Và những điều chỉnh

Nhiều động thái của ông Trump sau khi nhậm chức đã phá vỡ ảo tưởng của các nước châu Âu về một mối quan hệ hữu nghị, một số nước chủ chốt ở châu Âu buộc phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh và ứng phó, quan hệ song phương xuất hiện những thay đổi mới.

Mỹ đã điều chỉnh quan điểm đối với NATO, yêu cầu các nước châu Âu chia sẻ nhiều trách nhiệm an ninh hơn.

Mỹ đã điều chỉnh quan điểm đối với NATO, yêu cầu các nước châu Âu chia sẻ nhiều trách nhiệm an ninh hơn.

Với Đức, chính trường hai bên đồng thời có sự biến động, dẫn đến sự chậm trễ rõ ràng trong việc điều chỉnh phản ứng với những thay đổi chính trị ở Mỹ. Chính phủ mới của Đức sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì đồng minh xuyên Đại Tây Dương và sẽ xoa dịu, chiều lòng Mỹ trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trump, có sự xung đột lợi ích cơ bản giữa Đức và Mỹ trong các lĩnh vực an ninh và thương mại. Đức có thể trở thành quốc gia châu Âu mà ông Trump tập trung gây sức ép vì nhiều lý do như có thặng dư thương mại với Mỹ cao, chi tiêu quốc phòng không đạt chuẩn và có thái độ tương đối ôn hòa đối với Trung Quốc. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng cải thiện quan hệ Đức - Mỹ.

Chính phủ mới của Đức được kỳ vọng sẽ ổn định và mạnh mẽ hơn chính phủ “đèn giao thông”. Về trung và dài hạn, Đức sẽ đánh giá lại triển vọng quan hệ Đức - Mỹ, chuẩn bị tốt 2 vấn đề là duy trì quan hệ với đồng minh và ứng phó với xu thế chính trị hướng nội của Mỹ, tìm cách đóng vai trò lãnh đạo nhất định ở châu Âu.

Về quan hệ Pháp - Mỹ, do hoạt động ngoại giao của các nguyên thủ quốc gia không đạt được kết quả như mong đợi, nên Pháp sẽ dựa vào các cơ chế tiểu đa phương hiện có để dần thúc đẩy sự tự chủ chiến lược của châu Âu. Trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 2/2025, Tổng thống Pháp Macron đã cố gắng đạt được sự đồng thuận với ông Trump về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và đầu tư hai chiều xuyên Đại Tây Dương nhằm nỗ lực hàn gắn mối quan hệ châu Âu - Mỹ, nhưng không mấy thành công.

Ông Macron luôn ủng hộ việc châu Âu tăng cường năng lực tự chủ chiến lược. Khi mối quan hệ đồng minh châu Âu - Mỹ có nhiều biến số hơn, Pháp chắc chắn sẽ cân nhắc cách thức thực sự đạt được sự tự chủ chiến lược. Sau sự gia tăng tương tác giữa Mỹ và Nga, ông Macron đề xuất thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược mới và tiến hành các cuộc thảo luận sâu rộng với các đối tác lớn của châu Âu về khả năng răn đe hạt nhân, qua đó hồi đáp đề xuất của Thủ tướng Đức Friedrich Merz về việc thực hiện “chia sẻ hạt nhân” với Anh và Pháp, thể hiện thái độ hợp tác tích cực với Đức.

Sau khi chính trường Đức ổn định trở lại, Pháp và Đức sẽ định hình lại “trục Pháp - Đức” và đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn ở châu Âu. Hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, châu Âu đã có nhiều cơ chế tiểu đa phương như “Trục Pháp - Đức”, “Tam giác Weimar” và “Nhóm 5 nước (G5)”... Pháp sẽ ưu tiên dựa vào các cơ chế này để phát huy vai trò lãnh đạo và dần tăng cường hợp tác thực chất giữa các nước châu Âu.

Riêng nước Anh, sự thay đổi trong phong cách ngoại giao sau khi ông Trump nhậm chức đã khiến mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ trở nên lung lay, trong khi mối quan hệ giữa Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên gần gũi hơn. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh Starmer vào cuối tháng 2 đã không thu hẹp được bất đồng giữa hai nước về vấn đề như đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ngược lại, có sự đồng thuận cao hơn giữa Anh và EU về an ninh quốc phòng. Tháng 12/2024, các nước Anh, Đức, Pháp, Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha cùng Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh đã cùng ra Tuyên bố Berlin, cam kết rõ ràng sẽ bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine.

Sau cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine tại Nhà Trắng, nước Anh đã thể hiện hình ảnh “tiên phong ủng hộ Ukraine” và “anh cả của châu Âu”. Ông Starmer và ông Macron đã cùng đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraine phiên bản châu Âu đầu tiên, bao gồm thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 1 tháng và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu. Pháp và Anh đã lần lượt chủ động triệu tập các hội nghị thượng đỉnh về Ukraine, tất cả các đề xuất liên quan đều hy vọng nắm bắt quyền chủ động của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Mỹ ở mức độ nhất định.

Hiện tại, Mỹ đã thay đổi hoàn toàn thái độ về vấn đề viện trợ cho Ukraine, đẩy trách nhiệm phòng thủ của Ukraine cho châu Âu và gây sức ép buộc Ukraine phải “đổi khoáng sản lấy viện trợ”. Mặc dù Mỹ ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán, nhưng lại bỏ qua ý kiến của EU và Ukraine, phớt lờ châu Âu để đàm phán trực tiếp với Nga, nội dung chính của đàm phán chủ yếu xem xét các yêu cầu của Nga, khiến EU và Ukraine lo ngại bị gạt ra ngoài lề.

Lãnh đạo các nước Pháp, Anh, Ukraine... đã lần lượt đến Mỹ để bày tỏ thiện chí sau khi ông Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, xét theo quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, về lâu dài châu Âu sẽ không thể cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của mình với việc làm hài lòng chính quyền Tổng thống Trump hay một chính quyền sau đó. Điều này có nghĩa là châu Âu phải tăng cường đoàn kết và thúc đẩy tự chủ chiến lược mới có thể tự đảm bảo lợi ích của chính mình, nâng cao năng lực hành động và tránh bị gạt ra ngoài lề trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/quan-he-my-chau-au-goc-nhin-tham-chieu-i766460/
Zalo