Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ: Kỳ 3: An sinh để an dân
Với truyền thống quý báu “Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ”, các đơn vị đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa nhằm cải thiện đời sống đồng bào, góp phần chung tay cùng địa phương giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội.
Những ngôi nhà ấm áp tình quân - dân
Gia đình ông Hoàng Văn Thủy, thôn Nà Xá, xã Yên Định (Bắc Mê) thuộc hộ nghèo, có 4 khẩu, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bấp bênh, điều kiện hết sức khó khăn, căn nhà ông đang ở bị dột nát nhiều năm chưa được sửa chữa. Theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh, gia đình ông Thủy được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới.
Nắm được hoàn cảnh gia đình ông Thủy, Ban CHQS huyện Bắc Mê đã huy động cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đơn vị và lực lượng dân quân xã giúp trên 20 ngày công đào móng, vận chuyển vật liệu xây dựng, ngoài ra còn trao tặng gia đình 2 triệu đồng tiền mặt.
Ngắm nhìn căn nhà mơ ước đang được hình thành, ông Hoàng Văn Thủy xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi cảm ơn Ban CHQS huyện, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành địa phương đã chung tay hỗ trợ ngày công để căn nhà hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đây là nền tảng để gia đình ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, trong năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai hỗ trợ xây dựng 14 “Nhà đồng đội”, 10 “Nhà Đại đoàn kết”, 1 “Ngôi nhà 100 đồng”, 2 “Nhà tình nghĩa” với tổng số tiền 1,86 tỷ đồng và 5.265 ngày công. Qua đó, góp phần chung tay bảo đảm công tác an sinh xã hội, củng cố, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc.
Mời chúng tôi vào ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, bà Hoàng Thị Sỹ, thôn Tân Chàng, xã Yên Hà (Quang Bình) ngậm ngùi: Chồng mất sớm, con gái đi lấy chồng, để lại một cháu nhỏ cho tôi nuôi. Do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều năm qua gia đình phải sinh sống trong ngôi nhà tạm bợ. Nhờ sự quan tâm của Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí, vừa qua gia đình đã xây dựng được ngôi nhà mới. Trong quá trình xây dựng, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đến động viên, chỉ đạo các lực lượng và bà con nhân dân chung tay giúp đỡ về ngày công, giám sát chặt chẽ để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Từ nay, gia đình không còn phải lo về nơi ở, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Những căn nhà khang trang, kiên cố được xây dựng bằng trách nhiệm, tình cảm thương yêu, đùm bọc của toàn quân, toàn dân ngày càng được nhân lên nhiều hơn. Đồng nghĩa với đó, mỗi mùa xuân đến, sẽ có nhiều hơn những gia đình được vui vầy, sum họp trong căn nhà mới ấm áp tình người.
Kết nối trái tim, dựng xây tương lai
Xã biên giới Xín Cái thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, địa hình 100% đồi núi, bị chia cắt bởi những khe núi sâu hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, người dân gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, nhất là thiếu nước sinh hoạt về mùa khô. Đứng chân trên địa bàn thôn Xín Chải, Trường PTDT bán trú Tiểu học Xín Cái có trên 930 học sinh, trong đó có trên 350 học sinh bán trú. Những năm qua, nước sinh hoạt của học sinh và giáo viên chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm, hoặc nước mưa, trong khi lượng mưa hằng năm không lớn, dẫn đến tình trạng các mạch nước thường khô cạn. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, thông qua kết nối của Ban CHQS huyện, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 450 triệu đồng xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho nhà trường và người dân thôn Xín Chải.
Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Xín Cái cho biết: Hệ thống cấp nước hoàn thành đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho thầy, cô giáo và học sinh, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống, tạo điều kiện để nhà trường chăm sóc các em tốt hơn.
Được biết, ngoài công trình cấp nước sinh hoạt cho Trường PTDT bán trú Tiểu học Xín Cái, Ban CHQS huyện còn vận động, kết nối nhiều tổ chức, cá nhân nguồn lực trên 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện, tiêu biểu như công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tìa Pu Si, xã Giàng Chu Phìn cung cấp nguồn nước cho trên 710 khẩu trên địa bàn thôn; hay công trình cấp nước thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh và thôn Há Chế, xã Tả Lủng phục vụ khu vực dân cư, trường chính, điểm trường lẻ... Những công trình nước sạch đã và đang xây dựng góp phần giúp đỡ cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn giảm bớt khó khăn, đáp ứng được phần nào mong mỏi của người dân trong suốt những năm qua.
Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công, gia đình thương binh – liệt sỹ cũng thường xuyên được quan tâm, các đơn vị đã vận động góp quỹ số tiền trên một tỷ đồng. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS 11 huyện, thành phố tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các huyện, thành phố đón nhận và tặng quà cho công dân hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự trở về địa phương 916 suất quà; tặng 60 con bò giống tổng giá trị 600 triệu đồng tại huyện Mèo Vạc, Xín Mần; tặng quà cho công dân nhập ngũ năm 2024 với 900 suất; khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe; trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi...
Thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng chục năm qua, tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sỹ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sỹ. Riêng năm 2024, Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã tìm kiếm trên khu vực thuộc dự án 1.720 ha, đã được rà phá bom mìn, huy động lực lượng với gần 6.800 ngày công, diện tích tìm kiếm 350 ha, đào bới trên 5.300 m3 đất, đá. Đến thời điểm này, Đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 28 hài cốt liệt sỹ tại thôn Nậm Ngặt, Giang Nam, xã Thanh Thủy; thôn Bản Phùng, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên.
Bên cạnh đó, thực hiện dự án “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường” của Cục Chính trị, năm học 2023 – 2024, Bộ CHQS tỉnh còn hỗ trợ 32 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 269 triệu đồng. Cùng với đó, phát động mô hình “Nâng bước em đến trường” hỗ trợ và nhận nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, CBCS còn chăm lo, động viên, định hướng nghề nghiệp để các em nỗ lực học tập, vươn lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh có thành tích học tập tốt để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương với phương châm “Thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả”. Kết quả đó là sự phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của LLVT Nhân dân tỉnh trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
-------------------