Quân đội Rwanda trắng trợn xâm phạm lãnh thổ Congo
Bộ trưởng Ngoại giao Congo tuyên bố, việc quân đội Rwanda xâm phạm lãnh thổ quốc gia này là hành động vi phạm trắng trợn.
Bộ trưởng Ngoại giao Therese Kayikwamba Wagner cho biết, Lực lượng Phòng vệ Rwanda (RDF) đã vượt qua các trạm biên giới giữa Goma - thủ phủ tỉnh North Kivu ở miền Đông Congo và thành phố Gisenyi của Rwanda, tăng cường các cuộc tấn công, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo thảm khốc.
Nhận định đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia, bà Wagner kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Rwanda rút quân khỏi lãnh thổ Congo, triển khai các biện pháp trừng phạt RDF và những người đứng sau quyết định dẫn đến vụ việc, đồng thời thiết lập cơ chế giải quyết các vi phạm có hệ thống trong việc chuyển giao vũ khí cho Rwanda.
Tuyên bố được đưa ra sau khi phiến quân M23 tiến về thành phố Goma với dân số hơn 1 triệu người. M23 là một trong khoảng 100 nhóm phiến quân ở miền Đông Congo, gồm những người Tutsi đã rời quân đội quốc gia này cách đây hơn một thập kỷ. Congo, Mỹ và các chuyên gia Liên hợp quốc cáo buộc Rwanda hậu thuẫn phiến quân M23. Tuy nhiên, Kigali kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc.
Trong tuyên bố liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi RDF rút khỏi Congo và chấm dứt hỗ trợ phiến quân M23. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới “lặp lại lời lên án mạnh mẽ nhất đối với cuộc tấn công đang diễn ra của M23 dưới sự hậu thuẫn của RDF”, yêu cầu phiến quân ngay lập tức ngừng tấn công, rời mọi khu vực chiếm đóng và tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn được thiết lập tháng 8-2024.
Theo Tân Hoa xã, Liên hợp quốc đã quyết định tạm di dời các nhân viên không cần thiết khỏi Goma trong bối cảnh căng thẳng an ninh gia tăng. Quyết định này được áp dụng đối với đội ngũ hành chính và những người làm việc từ xa.
Những nhân sự thiết yếu vẫn được duy trì để bảo đảm các hoạt động quan trọng như phân phối thực phẩm, hỗ trợ y tế, cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Việc di dời tạm thời sẽ được đánh giá lại dựa trên diễn biến thực tế.
Động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh giao tranh leo thang khi phiến quân M23 mở rộng lãnh thổ và giành quyền kiểm soát Sake - thị trấn được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng tại Goma. Một số đại sứ quán nước ngoài đã ban hành khuyến cáo khẩn cấp, kêu gọi công dân rời North Kivu vào thời điểm các sân bay và biên giới vẫn hoạt động.
Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) cũng lên án M23 sau khi phiến quân tấn công phái bộ quân sự của nhóm này vào ngày 22-1. SADC nhận định, việc M23 theo đuổi mục tiêu mở rộng lãnh thổ là hành vi vi phạm Tiến trình Hòa bình Nairobi và lệnh ngừng bắn do Tổng thống Angola Joao Lourenco làm trung gian.
Điều phối viên nhân đạo tại Congo Bruno Lemarquis đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về giao tranh đang leo thang ở Goma và tác động ngày càng nghiêm trọng đối với dân thường. Trong bối cảnh đó, các tổ chức nhân đạo đang làm mọi cách có thể để hỗ trợ nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất.