Quân đội là lực lượng tiên phong trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Năm 2024, huyện Mường Lát có 67 thanh niên lên đường nhập ngũ vào các đơn vị Sư đoàn 324 (Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh. Trong đó có 60 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, 7 thanh niên tham gia nghĩa vụ công an Nhân dân. Các thanh niên tham gia nhập ngũ đều bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ văn hóa, phẩm chất đạo đức và lý lịch theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đạt được kết quả trên, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Mường Lát, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) từ huyện đến các xã, thị trấn đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự cho thanh niên trong độ tuổi. Đồng thời tiến hành rà soát, nắm bắt số lượng công dân địa phương trong độ tuổi từ 17 trở lên, các công dân ở nhà, đi học, đi làm ăn xa... để bố trí thời gian gọi khám sơ tuyển đảm bảo theo đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc. Những kết quả trên cũng minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả Đề án 1371 về “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự, Ban CHQS huyện Mường Lát còn phối hợp với Công an huyện, Bộ đội Biên phòng và Huyện đoàn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Ban CHQS huyện, chỉ huy trưởng tự vệ, bản đội trưởng, khu đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, đoàn viên thanh niên và học sinh THPT trên địa bàn huyện. Thông qua lớp bồi dưỡng, các học viên được tiếp thu một số nội dung, như: vận dụng quan điểm xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Mường Lát; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam; kết quả thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” trên địa bàn huyện Mường Lát, giải pháp khắc phục vấn đề tảo hôn và thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình...
Không chỉ huyện Mường Lát, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác TTPBGDPL đến cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Điển hình như Ban CHQS huyện Vĩnh Lộc tổ chức hội thi “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” năm 2024 bằng hình thức sân khấu hóa, thông qua bốc thăm, trả lời câu hỏi và phần thi tiểu phẩm, hùng biện. Hội thi có hơn 100 diễn viên quần chúng là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở 13 xã, thị trấn tham gia. Nội dung hội thi đã mang đến những thông điệp nhiều ý nghĩa, gắn với Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Quốc phòng; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác...
Đối với Ban CHQS TP Thanh Hóa, hàng năm đều xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị TTPBGDPL cho các đồng chí bí thư, chỉ huy trưởng ban CHQS của 34 phường, xã trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến về Luật Nghĩa vụ quân sự; các nội dung cơ bản của Luật Phòng thủ dân sự 2023, Luật Lực lượng dự bị động viên; trình tự các bước thực hiện xử phạt hành chính trong thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, ngày 9/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu...
Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tham gia chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” của Chính phủ (Đề án 1371), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương lồng ghép TTPBGDPL qua hình thức sinh hoạt chính trị tư tưởng, tọa đàm, sân khấu hóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thông qua pano, khẩu hiệu; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật ở các cấp cơ sở; triển khai hiệu quả các mô hình “Đơn vị dân vận tốt”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, “Câu lạc bộ pháp luật”, “Mỗi ngày một tin tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện pháp luật hay”, “Chi đoàn không có đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Thượng tôn pháp luật - văn minh thanh niên”, gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quân đội chung sức XDNTM”...
Trên cơ sở các mô hình, phong trào thi đua, cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp TTPBGDPL, góp phần vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương, trong lực lượng vũ trang và người dân địa phương.