Quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước – kinh nghiệp từ thực tiễn xây dựng pháp luật

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước' do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức sáng 15/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo. Báo PLVN xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Thứ trưởng

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Ảnh Phạm Hằng- Tuấn Anh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc. Ảnh Phạm Hằng- Tuấn Anh

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo chủ trì Hội thảo,

Thưa toàn thể các quý vị đại biểu,

Trước hết, tôi xin được kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và toàn thể quý vị đại biểu nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Về nội dung tham luận, trong khuôn khổ thời gian hạn chế, cho phép tôi tập trung vào một số nội dung sau:

1. Vấn đề thứ nhất, nhìn rộng ra bên ngoài thì có thể thấy con người với các quyền vốn có của mình là trung tâm, mục tiêu phát triển, là chủ đề quan trọng bậc nhất trên trường quốc tế và tại mỗi quốc gia. Quyền con người là khát vọng, là giá trị mà mọi dân tộc văn minh đều hướng tới và cộng đồng quốc tế đã cùng nhau vượt qua nhiều khác biệt, thách thức, khó khăn để xây dựng được một khuôn khổ pháp luật quốc tế về các quyền con người, trong đó có các điều ước quốc tế quan trọng như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ … Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người.

Về tổng thể thì bức tranh quốc tế có nhiều kết quả tích cực trong thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thưa các đồng chí,

2. Vấn đề thứ hai, đối với Việt Nam, Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt nền tảng cho tư tưởng, định hướng của Đảng và Nhà nước ta lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước khi khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trong quá trình phát triển của mình, thông qua tổng kết thực tiễn và lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc hơn và đầy đủ hơn về vấn đề quyền con người, từng bước đề cập ngày càng rõ ràng, đầy đủ, toàn diện hơn vấn đề quyền con người trong các văn kiện của Đảng được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”.

Gần đây, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh quan điểm “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” để đặt ra một trong các mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là “Hoàn thiện cơ bản các cơ chế đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Nghị quyết cũng đặt ra các nhiệm vụ: “Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” .

Như vậy có thể thấy định hướng, quan điểm của Đảng về lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước là khá rõ ràng, thể hiện ngay trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được khẳng định ngày càng đậm nét, đầy đủ và sâu sắc hơn trong các nghị quyết của Đảng.

Thưa toàn thể Hội nghị,

3. Vấn đề thứ ba, việc thể chế hóa các tư tưởng, định hướng của Đảng lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước thành pháp luật thời gian qua thế nào? Tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng của Đảng về con người với các quyền vốn có của mình này đã được thể chế hóa và phát triển qua 5 bản Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 không chỉ ghi nhận đầy đủ các quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội mà quan trọng hơn là các quyền con người được coi là “quyền tự nhiên”, vốn có gắn với mỗi con người và ở Việt Nam các quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật do Quốc hội ban hành trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013).

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật được rà soát, hoàn thiện. Nhiều đạo luật về các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do, dân chủ của công dân đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quan tâm hoàn thiện pháp luật bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, quy định tại nhiều văn bản luật trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc lấy con người và các quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước được đặt ra ngay trong quy trình xây dựng pháp luật, từ việc có yêu cầu cao tổng kết thực tiễn, tức là phải căn cứ vào thực tiễn của đất nước, các vấn đề đặt ra của đất nước cần giải quyết, nắm chắc các quan điểm, định hướng của Đảng để thể chế hóa kịp thời, nghiên cứu tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế cho tới các bước của quy trình xây dựng pháp luật đều hướng tới dân chủ, minh bạch và đặc biệt là phải lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp vào xây dựng pháp luật, yêu cầu cơ quan chủ trì xây dựng pháp luật tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân đều phải được phản ánh trong hồ sơ xây dựng pháp luật.

Như vậy, thực tiễn xây dựng pháp luật Việt Nam đã thể chế được các định hướng của Đảng lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước.

Thưa các đại biểu,

4. Chúng ta tự hào về việc đã có các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cho việc lấy lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước trong xây dựng pháp luật và nhiều kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế hoặc có vấn đề còn chưa theo kịp yêu cầu cuộc sống trong thể chế hóa đầy đủ, chính xác, hiệu quả định hướng, quan điểm của Đảng lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Chính vì vậy, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định rõ ràng, mạnh mẽ hơn việc lấy con người là trung tâm, chủ thể và động lực phát triển đất nước trong suốt quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có công tác xây dựng pháp luật có ý nghĩa rất lớn đối với cả hệ thống chính trị và người dân. Tìm hiểu tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW thì có thể thấy Đảng ta đã khéo léo đặt vấn đề quyền con người và pháp quyền XHCN gắn chặt với nhau. Sẽ khó có thể thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm thành công được các quyền con người nếu như không xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngược lại, sẽ không thể nói xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam khi các quyền con người cơ bản chưa được bảo đảm và bảo vệ hiệu quả. Một cách tiếp cận rất đúng, biện chứng và hiệu quả.

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam , rất cần hoàn thiện thể chế phát triển, khuyến khích sáng tạo, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực phát triển, hiện thực hóa mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để hướng tới con người với các quyền vốn có của mình được tốt hơn theo đúng Nghị quyết số 27 và Hiến pháp năm 2013.

Cuối cùng, kính chúc đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và toàn thể quý vị đại biểu hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quan-diem-cach-tiep-can-lay-con-nguoi-la-trung-tam-muc-tieu-chu-the-va-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-kinh-nghiep-tu-thuc-tien-xay-dung-phap-luat-post528637.html
Zalo