Quân dân Hòa Hiệp, Hòa Xuân nhận nhiệm vụ đặc biệt
Sau hội nghị quyết định mở bến Vũng Rô để đón tàu Không số tiếp viện vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường Phú Yên và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bến trưởng Vũng Rô triển khai ngay cuộc họp tại nhà ông Ba Lang ở xóm Lạc Long, hạ lưu sông Bàn Thạch. Ban chỉ huy bến làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 và các bí thư chi bộ hai xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân để chuẩn bị công tác mở bến.
Đồng chí Trần Suyền quán triệt: Chúng ta cần chuẩn bị lực lượng để nhận vũ khí trung ương chi viện. Nhận như thế nào, ở đâu thì sẽ biết sau. Việc ai làm, người ấy biết, làm đến đâu biết đến đó. Không được tìm hiểu những việc không phải nhiệm vụ của mình. Các đồng chí bí thư chi bộ Hòa Xuân, Hòa Hiệp phải trực tiếp tổ chức và nắm lực lượng.
Dân công các xã sẵn sàng nhiệm vụ
Mỗi xã phải chuẩn bị một đội thanh niên xung phong loại A từ 50-100 người cả nam lẫn nữ. Những người này có ý thức chính trị tốt, sức khỏe tốt, tuổi từ 35 trở xuống. Trước hết, phải chọn trong đảng viên, đoàn viên, du kích, những người vững vàng về nhận thức chính trị. Ngoài ra, mỗi xã chuẩn bị danh sách dự bị từ 100-200 người, cần đến đâu huy động đến đó.
LLVT và dân quân du kích của xã được tổ chức theo cấp trung đội; các thôn có cấp tiểu đội. Lực lượng này có kinh nghiệm diệt ác phá kìm và từng phục kích đánh địch nhiều trận giữa ban ngày trên địa bàn địch tạm thời kiểm soát.
Xã Hòa Hiệp cho xây dựng làng chiến đấu Thọ Lâm, Đa Ngư, Phú Lạc…, có đường hào giao thông, có điểm chốt trên các điểm cao quanh làng. Vào năm 1964, dân số xã Hòa Hiệp có 6.340 người (trong đó có 345 du kích). Quần chúng nhân dân trong xã được đảng viên, đoàn viên, quần chúng đã giác ngộ cách mạng theo dõi giúp đỡ, giáo dục. Các hộ dân được đưa vào danh sách, phân loại để chuẩn bị điều động dân công cho từng đợt, từng chuyến công tác tại bến Vũng Rô.
Chuyến tàu thứ nhất vào Vũng Rô, xã Hòa Hiệp điều động 150 cán bộ đảng viên, đoàn viên, quần chúng giác ngộ tốt (trong đó có 50 đảng viên, 20 nữ), chia thành nhiều bộ phận để phục vụ công tác bến bãi, chuyển hàng.
Bà Nguyễn Thị Tảng đang sống ở xã An Dân (huyện Tuy An), dân công làm nhiệm vụ ở bến Vũng Rô cách đây 60 năm, nhớ lại: Lực lượng phụ nữ các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba được trên chỉ đạo thu mua gạo, thực phẩm (cá khô, mắm cô đặc) chuyển vào căn cứ phục vụ cho dân công vận chuyển vũ khí. Tôi cùng các chị Đặng Thị Bế, Mai Thị Ràng, Đỗ Thị Phục (thôn Phú Lạc), Nguyễn Thị Hoa (thôn Đa Ngư)… được tổ chức cho học tập. Sau đó, chúng tôi vận động hàng trăm phụ nữ tham gia đấu tranh phản đối quân đội ngụy bắn pháo bừa bãi vào xóm làng, giết hại dân, yêu cầu để cho dân được đi lại tự do giữa hai vùng cách mạng giải phóng và vùng quân đội ngụy đang kiểm soát. Đó là cách để phân tâm, đánh lừa địch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục vụ tàu vào bến Vũng Rô.
Nhiệm vụ của xã Hòa Xuân (gồm cả Hòa Tâm) cũng tương tự. Chi bộ Hòa Xuân được cấp trên giao mật lệnh chuẩn bị kho tàng và dân công tham gia mở bến tiếp nhận hàng, đồng thời tạo hành lang an toàn vượt qua các đồn bốt địch để vận chuyển vũ khí ra tuyến sau chi viện cho chiến trường trong tỉnh và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Công tác bảo vệ và xây dựng tuyến hành lang an toàn vượt qua xã Hòa Xuân để vận chuyển vũ khí ra tuyến sau được gấp rút triển khai. Đặc biệt, đội du kích ở đây theo dõi chặt chẽ mọi hành động của địch ở bốt Pơ-tí, kiên quyết chặn địch khi chúng lùng sục ra ngoài bốt. Năm 1964, dân số xã Hòa Xuân có 5.430 người, trong đó có 310 du kích.
Đồng chí Năm Giang (tức Trần Khe), Chính trị viên xã đội phổ biến nhiệm vụ cho các thanh niên xung phong: “Từ giờ phút này các đồng chí phải ở đây công tác cho đến hết đợt, không được về làng, không gặp người quen, việc ai người ấy biết”.
Khi chuyến tàu Không số đầu tiên cập bến Vũng Rô đêm 28/11/1964, công việc bốc xếp hàng hết sức khẩn trương. Những thùng hàng đầu tiên từ Bãi Chính - Vũng Rô được vận chuyển bằng ghe thuyền về Bãi Xép, Hóc Chỗ, vác bộ len lách qua những gộp đá tập kết ở Hang Vàng. Hàng từ kho Hang Vàng vượt qua hành lang Hòa Xuân, trên các lạch Sông Tra, Sông Con, thuyền câu ngụy trang chở vũ khí ngược dòng lên căn cứ phía Tây (Hòa Thịnh, Hòa Mỹ), vượt dốc Mõ vào bắc Khánh Hòa và lên chiến trường Đắk Lắk.
Cả chiến dịch đón 4 chuyến tàu Không số, hai xã Hòa Hiệp (nay là các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam) và Hòa Xuân (bao gồm phường Hòa Xuân Tây, các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam và Hòa Tâm) đã huy động cả ngàn lượt dân công để vận chuyển vũ khí từ tàu xuống bến, từ bến về kho tạm, từ kho tạm về kho ở hậu cứ và tiếp tục vận chuyển đến các chiến trường.
Hệ thống đường đi và kho bãi
Trung úy Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 cho biết để đưa hàng hóa, vũ khí từ tàu xuống bến và đưa vũ khí đến các chiến trường, đòi hỏi phải có phương tiện, nhân lực và vật lực để thực hiện các công việc như đóng cầu cảng để bốc dỡ hàng và chuẩn bị ghe nhỏ vận chuyển. Xã Hòa Hiệp huy động hàng chục chiếc thuyền nhỏ đánh cá của ngư dân ở các thôn Lò Ba, Đa Ngư, Phú Lạc để vận chuyển từ bến Vũng Rô đến Hóc Chỗ, Bãi Xép. Từ đó dân quân tiếp tục bốc dỡ vũ khí vào kho chính ở Hang Vàng, Hang Sải, căn cứ Miền Đông huyện Tuy Hòa 1.
Hệ thống kho, kho tạm tại chỗ được chuẩn bị dọc ven núi, phân tán hàng cất giấu tạm ở khu vực Suối Lim, Làng Thượng, khu vực Bàu Sấu, Hang Vàng, Hang Sải có nhiều gộp đá to, nhiều chỗ cất giấu.
Kho hậu cứ ở Hòa Thịnh gồm các hang, gộp đá ở vùng Cỏ Ống, Suối Lạnh, Suối Cùng và kho hậu cứ Hòa Mỹ ở Bến Đá, Suối Phẩn, do quân khu quản lý.
Từ kho tạm ven núi phía Đông đèo Cả để dân công vận chuyển vũ khí về được kho ở hậu cứ cũng vô cùng gian nan vì phải vượt qua quốc lộ 1, một phòng tuyến được địch bố trí lực lượng dày đặc cả về mật độ lẫn cường độ. Bà Nguyễn Thị Tảng kể: Thời điểm ấy, dân công rất đông, đi lại nhộn nhịp cả núi rừng. Nhưng từng khúc từng đoạn, ai làm nấy biết, không biết nhiệm vụ và cung đường lẫn nhau. Đến sau giải phóng 1975, gặp mặt, đọc lại lịch sử mới biết rõ.
Để đảm bảo việc vận chuyển, đường đi phải thường xuyên thông suốt, trạm phải chuẩn bị nhiều đường bí mật: Đường thứ nhất từ Bãi Chùa lên phía Nam núi Đá Bia qua quốc lộ 1, theo hướng Trại Thơm (Hòa Xuân) ra Trại Gộp đến Suối Cùng, Cỏ Ống (Hòa Thịnh). Đường thứ hai từ Bãi Chính xuyên lên phía Bắc núi Đá Bia, qua Hóc Mít vượt đường sắt, qua đồng ruộng, vượt quốc lộ 1 lên Đồng Nẩy, Đồng Khôn xuyên đường rừng lên Suối Cùng, Cỏ Ống (Hòa Thịnh).
Đường thứ ba đi ngoài đồng, từ xóm Mới - Lạc Long sang đầu thôn Phước Giang (nay thuộc xã Hòa Tâm) đi lên đường sắt đoạn cách cầu Sông Tra khoảng 3km và ga Thạch Tuân 7km, qua xóm Mỹ Khê (Hòa Xuân) lên núi Hiềm đến Hóc Môn - Nam Bình (Hòa Xuân) qua eo núi Đồng Lão đến Đồng Mọi (Hòa Tân), nếu gặp trở ngại thì từ núi Hiềm đi vào Đồng Khôn xuyên rừng lên Suối Cùng, Cỏ Ống. Đường này hoàn toàn đi vào ban đêm, ngoài đồng, rìa làng, không đèo dốc, khá an toàn nên được sử dụng suốt các đợt vận chuyển vũ khí từ Vũng Rô về kho hậu cứ Hòa Thịnh. Các đường khác làm đường dự bị.
Ngoài lực lượng dân công được tuyển lựa, huy động với số lượng lớn, để bảo vệ bến Vũng Rô an toàn, cấp trên giao cho xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân động viên tuyển chọn thanh niên và một số du kích các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba… với số lượng 120 thanh niên để thành lập Đại đội K60 trên cơ sở bộ khung cán bộ của trung đội tập trung Miền Đông làm nòng cốt. Ngay khi thành lập K60, đơn vị vừa huấn luyện, vừa hỗ trợ bốc dỡ phân phối hàng, vừa bảo vệ bến, bảo vệ tàu an toàn.