Quan chức Nhật Bản không đưa ra cảnh báo về khả năng can thiệp thị trường

Nhật Bản đã thận trọng trước biến động mạnh của thị trường tiền tệ, khi đồng yen tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 38 năm, nhưng không đưa ra cảnh báo rõ ràng về khả năng can thiệp.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thành phố Yokosuka, quận Kanagawa (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại thành phố Yokosuka, quận Kanagawa (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản ngày 2/7 Shunichi Suzuki cho rằng các nhà chức trách đã thận trọng trước biến động mạnh của thị trường tiền tệ, khi đồng yen tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 38 năm, nhưng không đưa ra cảnh báo rõ ràng về khả năng can thiệp.

Ông Suzuki nói tỷ giá trên thị trường là do sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, như lạm phát, cán cân tài khoản vãng lai, niềm tin của thị trường và các hoạt động đầu cơ. Ông cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường. Mặc dù nói lập trường của chính phủ sẽ không thay đổi, ông không đề cập tới việc sẵn sàng can thiệp như thường thấy.

Theo nhà phân tích về ngoại hối Yujiro Goto tại Nomura, phát biểu chính thức của ông Suzuki cho thấy cho thấy ít nhiều thay đổi. Việc lặp lại cùng một thông điệp có thể làm giảm tác dụng của các cảnh báo. Việc không thay đổi trong phát biểu có thể cũng được các nhà đầu tư hiểu là sẽ không có sự can thiệp ngay lập tức. Tuy nhiên, việc ông Suzuki không cảnh báo về khả năng can thiệp không có nghĩa khả năng này thấp hơn trước.

Đồng yen giảm xuống mức 161,72 yen/USD vào cuối phiên 1/7, mức thấp nhất kể từ năm 1986, khiến các thị trường tiếp tục thận trọng trước bất kỳ dấu hiệu nào về hoạt động mua yen để hỗ trợ đồng tiền này.

Đồng tiền Nhật Bản giảm hơn 12% trong năm nay, khi tiếp tục chịu sức ép do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Các nhà chức trách Nhật Bản như ông Suzuki và Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda đã gia tăng cảnh báo trong tuần trước, khi đồng yen giảm qua ngưỡng 160 yen/USD, mức có thể đưa đến hành động can thiệp.

Trong tuần trước, ông Suzuki nói các nhà chức trách quan ngại sâu sắc về tác động do biến động tỷ giá nhanh và một chiều đến nền kinh tế và sẽ có phản ứng phù hợp trước biến động quá mức.

Đồng yen giảm có lợi cho các nhà xuất khẩu, nhưng làm tăng giá hàng nhập khẩu, gây thêm sức ép lạm phát và hạn chế chi tiêu tiêu dùng.

Các công ty lớn của Nhật Bản dự báo biến động tỷ giá hối đoái sẽ khiến lợi nhuận hoạt động giảm 266,7 tỷ yen (1,7 tỷ USD) trong năm tài chính 2024. Đây là sự đảo chiều mạnh mẽ so với mức tăng lợi nhuận nhờ đồng yen yếu trong năm tài chính trước đó.

Dự đoán lợi nhuận nói trên là từ 52 công ty trong Chỉ số 225, trong đó có nhiều nhà xuất khẩu trong các ngành như sản xuất ô tô và máy móc. Các doanh nghiệp này dự báo tổng lợi nhuận hoạt động giảm 1% xuống 16.000 tỷ yen. Dự báo này sẽ chuyển thành tăng 1% nếu không tính đến các tác động tỷ giá.

Các nhà sản xuất máy móc cũng đưa ra dự báo đồng yen sẽ tăng giá. Komatsu dự đoán lợi nhuận hoạt động cả năm giảm 8% do đồng yên tăng giá, trong khi Hitachi Construction Machinery dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 2%.

Ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI đánh giá ngoài việc xuất khẩu trực tiếp vào châu Âu, đồng yen yếu hơn cũng có thể giúp các công ty Nhật Bản có mức giá bán cạnh tranh hơn các đối thủ châu Âu ở thị trường bên thứ ba.

Nhìn chung, đồng yen yếu cũng có lợi cho các doanh nghiệp niêm yết. Daiwa Securities ước tính tỷ giá với đồng USD cứ giảm 1 yen thì lợi nhuận trước thuế của các công ty lớn sẽ tăng 0,4%.

Sự suy yếu của đồng yen đã là một lực đẩy lớn trong hai năm qua, giúp lợi nhuận của các công ty tăng tổng cộng 3.880 tỷ yen trong năm tài chính 2022 và 1.830 tỷ yen trong năm tài chính 2023.

Lê Minh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-chuc-nhat-ban-khong-dua-ra-canh-bao-ve-kha-nang-can-thiep-thi-truong/339193.html
Zalo