Quản chặt chất lượng trái cây

Với dân số gần 10 triệu dân, sức tiêu thụ thực phẩm, nông sản trong đó có trái cây tại Hà Nội luôn đứng ở mức cao. Làm sao kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mặt hàng này hiện đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025”, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2025, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh, được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”. Đây được đánh giá là chủ trương đúng, trúng trong bối cảnh hiện nay, khi mà vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có mặt hàng hoa quả đang đặt ra cấp thiết.

Kế hoạch này giúp công tác quản lý chất lượng hoa quả tốt hơn, chất lượng mặt hàng này khi đến tay người tiêu dùng an toàn hơn. Ngoài ra, kế hoạch cũng có tác dụng kích thích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây… Qua đó xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu trái cây an toàn Thủ đô, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trái cây về chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng khả năng tiêu thụ.

Tuy nhiên, quản lý thế nào để kế hoạch triển khai hiệu quả và có sức sống lâu bền là câu chuyện cần tính đến. Và làm sao mục tiêu an toàn không chỉ cho riêng hoa quả mà còn mở rộng ra các loại thực phẩm khác.

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, địa bàn TP Hà Nội hiện có 1.446 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó, có 1.220 cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh. Hiện nổi lên việc một số cửa hàng kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc bán trái cây nhập khẩu nhưng núp bóng nông sản Việt để tiêu thụ. Với số lượng cửa hàng lớn, các chiêu thức “thổi" chất lượng hoa quả ngày càng tinh vi, phức tạp, kiểm soát, quản lý thế nào để hiệu quả?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguồn lực, nhân lực hạn chế, công tác quản lý làm trước hết ở những địa điểm trung tâm buôn bán, tiêu thụ hoa quả lớn nhất, rồi nhân ra, lan tỏa dần. Công tác quản lý phải theo chuỗi, từ gốc, khi trồng trọt cho đến nhập khẩu, rồi phân phối, bán ra ở từng địa chỉ một, theo chuỗi phân phối; mua bán phải có hóa đơn, chứng từ; niêm yết giá công khai, hoa quả có nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, khen thưởng phải rõ ràng. Với những cửa hàng chấp hành tốt, phải nhân rộng và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm để đủ sức răn đe. Công tác tuyên truyền cũng cần tăng cường để người dùng tiếp cận với hoa quả an toàn và người bán hiểu rõ hậu quả của hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội đi vào thực tế đòi hỏi các đơn vị, địa phương, cơ sở sản xuất nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật và các quy định nêu tại đề án trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trái cây trên địa bàn TP. Tuy nhiên điều quan trọng trong quá trình triển khai đề án đòi hỏi lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu nhưng "đội lốt" nông sản Việt bán ra thị trường.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của TP Hà Nội và các sở, ngành, Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội 2025 góp phần từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm trái cây lưu thông trên thị trường phục vụ người dân Thủ đô và du khách.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-chat-chat-luong-trai-cay.html
Zalo