Quà Tết tặng cho nhân viên, người lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?

Tết Nguyên đán không chỉ là một dịp đánh dấu sự khởi đầu mới mà còn là thời điểm để các doanh nghiệp tri ân người lao động sau một năm vất vả. Tuy nhiên, quà Tết có chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hay không luôn là điều khiến nhiều người quan tâm. Bài viết này sẽ giải đáp rõ ràng vấn đề này dựa trên quy định hiện hành, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách tính thuế từ quà Tết.

Các loại quà Tết chịu thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn, quà Tết được chia làm hai loại chính: Quà bằng tiền và quà bằng hiện vật.

Trong trường hợp công ty tổ chức các cuộc thi cho cán bộ, nhân viên (CBNV) và người thân, giá trị giải thưởng vượt 10 triệu đồng sẽ phải khấu trừ thuế TNCN, theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Tương tự, các khoản lợi ích ngoài lương, như tiền thưởng hoặc hiện vật, cũng thuộc diện khấu trừ thuế TNCN theo quy định.

Riêng với quà tặng là hiện vật như thẻ mua hàng, giỏ quà bánh, cốc chén, áo quần,... nếu không mang tính chất tiền lương, tiền công và không thuộc các khoản quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người nhận không cần kê khai, nộp thuế TNCN.

Quà Tết hiện vật như giỏ quà, thẻ mua hàng, ấm chén,... không cần kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

Quà Tết hiện vật như giỏ quà, thẻ mua hàng, ấm chén,... không cần kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, nếu quà Tết được trao dưới hình thức tiền mặt hoặc tiền được xem là thu nhập mang tính chất tiền lương, tiền công thì phải chịu thuế TNCN. Các khoản thu nhập này sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi chi trả. Theo quy định này thì lương tháng 13 không thuộc các trường hợp được miễn thuế TNCN và người lao động vẫn nộp thuế TNCN đối với lương tháng 13.

Ngoài ra, theo khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, các thu nhập từ quà tặng chịu thuế bao gồm các loại tài sản có giá trị lớn như chứng khoán, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế, bất động sản, hoặc các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, tàu thuyền, máy bay và súng thể thao,…. Đối với chứng khoán, giá trị tính thuế căn cứ vào giá trị sổ sách hoặc giá tham chiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán. Đối với bất động sản, giá trị được xác định theo bảng giá đất hoặc quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các tài sản khác sẽ căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ quà tặng Tết

Theo quy định, các khoản thu nhập từ quà tặng như chứng khoán, vốn góp, bất động sản hoặc tài sản có giá trị đối với tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì phải chịu thuế TNCN. Mức thuế được tính dựa trên thu nhập tính thuế, được xác định là giá trị tài sản nhận được vượt trên 10 triệu đồng trong mỗi lần nhận.

Cách tính thuế TNCN từ quà tặng được quy định như sau:

Thuế suất áp dụng là 10%. Thu nhập tính thuế là phần giá trị quà tặng vượt trên 10 triệu đồng/lần nhận. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là khi cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

Số thuế phải nộp = Thu nhập tính thuế x 10%.

Chẳng hạn, nếu một nhân viên nhận được quà Tết là cổ phiếu trị giá 50 triệu đồng, phần thu nhập tính thuế sẽ là 40 triệu đồng (50 triệu đồng - 10 triệu đồng). Thuế TNCN phải nộp sẽ là 40 triệu đồng x 10% = 4 triệu đồng.

Quy định về thuế TNCN nhằm tính minh bạch trong chính sách thuế và giúp doanh nghiệp cũng như cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Việc hiểu rõ cách áp dụng thuế đối với quà Tết sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động tuân thủ đúng quy định, tránh được những rắc rối không đáng có trong thời điểm quan trọng như dịp Tết Nguyên đán.

Kim Quyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/qua-tet-tang-cho-nhan-vien-nguoi-lao-dong-co-chiu-thue-thu-nhap-ca-nhan-hay-khong-183052.html
Zalo