Quá tải dịch vụ ký gửi chăm sóc đào sau Tết
Năm nào cũng vậy, sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các nhà vườn lại tất bật với công việc 'hồi sinh' các gốc đào, chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Hiện không khí làm việc tại các nhà vườn trồng đào nhộn nhịp không kém so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Những gốc đào mang đi trong năm đang được thu về để trồng và chăm sóc. Tất cả các công đoạn như trộn đất, tách cây từ chậu, cắt tỉa cành… đều phải làm khẩn trương để chuẩn bị cho một mùa đào mới.
Vườn đào ông Đào Ngọc Tiến (đường Long Hưng, phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) đã trồng hơn 50 gốc đào có giá trị cao chỉ sau vài ngày nhận thu gom gốc đào về chăm sóc hộ sau Tết Nguyên đán. Mỗi cây tùy vào tình trạng ông Tiến nhận được khoảng từ 1 đến 4 triệu đồng.
Khi khách có nhu cầu, ông Tiến đến tận nhà để xem xét tình trạng của cây, khả năng sinh trưởng và báo giá cho khách. Khách chủ yếu là các cơ quan, đoàn thể hoặc người dân mua những gốc đào to, đào thế có giá trị lớn. Sau tết, không có đất trồng và không am hiểu về kỹ thuật trồng đào nên người dân tìm đến dịch vụ ký gửi chăm sóc đào để cây được sinh trưởng và phát triển tốt cho dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Ngay khi đưa cây về vườn, các gốc đào được nhanh chóng vận chuyển tới chỗ trồng để kịp thời được chăm sóc. Theo ông Tiến, những gốc đào đã chưng trong dịp Tết do không biết chăm sóc, tưới cây và năm nay thời tiết trước và trong dịp Tết Nguyên đán cũng thay đổi nên nhiều cây đã có biểu hiện héo úa, việc sớm đưa cây đi trồng lại sẽ có tỷ lệ phục hồi cao hơn.
Tại vườn đào, anh Nguyễn Mạnh Hùng (đường Long Hưng, phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Những năm gần đây, số lượng khách hàng thuê nhiều hơn là mua đứt. Lý do một phần do một số gốc đào rất quý, có gốc tuổi đời đến hàng chục năm, có giá trị về cả vật chất lẫn tinh thần. Thời điểm hiện tại, 50% số đào cho thuê đã được trả lại vườn”.
Việc nhận chăm sóc những gốc đào thế có kích thước lớn không chỉ tốn chi phí vận chuyển mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thiên tai, nắng nóng khó đảm bảo đào ra hoa đúng dịp. Có trường hợp đào chết sẽ phải đền bù cho khách, anh Hùng cho biết thêm.
Chị Lê Thị Liễu (đường Long Hưng, phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) cho biết: “ Để kịp quá trình chăm sóc đào, hầu như nhà nào cũng thuê từ 3 đến 5 nhân công. Gia đình tôi phải thuê 5 nhân công để vận chuyển cây, cắt tỉa cành lá, làm đất, tưới cho đào. Trung bình mỗi lao động được trả 6 - 10 triệu đồng/tháng”.
“Hồi sinh các gốc đào cũng tốn nhiều công sức và công đoạn như trồng một cây mới. Công đoạn đầu tiên là phải ngắt hoa, tỉa cành, tỉa hoa búp còn sót lại trên cây để đào phục hồi sau thời gian “căng sức” nuôi hoa cho khách chưng Tết. Sau đó phải thay đất, tỉa rễ, bỏ phân, tưới nước, giữ ẩm… để cây có sức phục hồi. Đến khoảng tháng 8 Âm lịch là công đoạn uốn cành để tạo dáng, thế. Gần Tết thì lặt bỏ lá, bón phân… để cây nở hoa đúng ngày”, chị Liễu chia sẻ.