Qua sông đã bớt 'lụy phà'
Dòng Mê Công chảy về cuối nguồn miền Tây Nam bộ chia ra 9 nhánh đổ ra biển. Cái tên Cửu Long thân thương gắn liền với sông nước miền Tây cũng xuất phát từ ấy. Trong đó sông Tiền, sông Hậu là hai nhánh lớn nhất. Với phù sa của dòng Mê Công, miền Tây Nam bộ đã trở thành vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất nước. Nhưng '9 nhánh sông' ấy cũng một thời tạo ra cách trở 'qua sông phải lụy phà'.
Còn nhớ hơn 23 năm trước (ngày 21-5-2000), hàng chục ngàn người dân ĐBSCL và TPHCM đã nô nức “đi xem” lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận - cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam - bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Ngày khánh thành xảy ra kẹt xe kéo dài hàng cây số. Điều đó cũng dễ hiểu bởi ai cũng muốn đến chứng kiến và cảm nhận phút giây qua sông Tiền không phải “lụy phà”.
Mãi 10 năm sau (ngày 24-4-2010), cầu Cần Thơ vượt sông Hậu chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là cây cầu lớn cuối cùng nối xuyên suốt hệ thống cầu đường trên tuyến quốc lộ 1 - trục giao thông quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay.
Như vậy đường từ TPHCM về thủ phủ miền Tây Nam bộ - TP Cần Thơ đã liền mạch. Nỗi ám ảnh phải xếp hàng dài, chờ hàng tiếng đồng hồ để qua phà về Cần Thơ nay chỉ còn là những ký ức xa…
Không đông đúc như ngày cầu Mỹ Thuận hiện hữu được đưa vào hoạt động nhưng việc hợp long cầu Mỹ Thuận 2 cũng làm nhiều người dân đất Chín Rồng vỡ òa cảm xúc. Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa thôi, khi cây cầu này chính thức được đưa vào hoạt động, tình trạng ùn ứ, kẹt xe dai dẳng ở cầu Mỹ Thuận kéo dài hàng chục năm nay sẽ được giải tỏa. Người dân vui và doanh nghiệp càng vui hơn vì các chuyến hàng rau, quả, tôm, cá… sẽ bớt được nỗi lo tăng chi phí bảo quản lạnh bởi việc vận chuyển đã thuận lợi hơn.
Ngày 15-10, cầu Đại Ngãi nối liền tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng được khởi công xây dựng. Giống người dân Vĩnh Long, Cần Thơ nhiều năm trước, người dân Trà Vinh và Sóc Trăng cũng nô nức tới chứng kiến khởi công xây dựng công trình. Bác Ba Thưng, một nông dân ở tỉnh Sóc Trăng không giấu được niềm vui, hồ hởi cho hay đã chuẩn bị từ mấy ngày trước để đến xem sự kiện này vì “công trình lớn thế giúp dân nhiều dữ lắm, đời người mấy ai có dịp chứng kiến”.
Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Đại Ngãi là cầu lớn cuối cùng trên quốc lộ 60 (sau cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên đã hoàn thành), là công trình chiến lược, trục giao thông quan trọng kết nối các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp thông suốt toàn tuyến quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng, tạo sự kết nối thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam ĐBSCL với TPHCM. Cầu Đại Ngãi giúp rút ngắn khoảng 80km từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh đi TPHCM so với tuyến quốc lộ 1.
Những ngày này, mỗi khi đi phà qua lại sông Ông Đốc, nhìn cây cầu bắc qua cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau sắp hoàn thành, ông Nguyễn Phước Tiên (nhà ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lòng háo hức.
“Vậy là không bao lâu nữa bà con sẽ thoát cảnh qua sông phải lụy phà. Làm nghề điện lạnh, hàng ngày tôi qua lại bờ Bắc - Nam ba lượt, mỗi lần qua lại như vậy phải chờ phà rất bất tiện lại tốn phí. Chúng tôi đang chờ từng ngày để được đi cầu”, ông Tiên phấn khởi nói.
Trên công trường cầu bắc qua sông Ông Đốc hiện có hơn 100 kỹ sư, công nhân, giám sát chia ca làm việc xuyên suốt ngày đêm. Hiện nhà thầu đang triển khai lắp đặt ván khuôn cho phần dầm đúc trên đà giáo; tổ chức ốp lan can cầu và thi công mặt đường dẫn… “Đến nay, tiến độ dự án đã đạt 90% giá trị hợp đồng. Chúng tôi đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công để hợp long cầu vào tháng 11, hoàn thành và thông xe trong năm nay theo đúng kế hoạch đề ra”, đại diện nhà thầu cho biết.
Cầu Rạch Miễu 2 là công trình giao thông mà cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bến Tre rất kỳ vọng. Bởi cầu Rạch Miễu hiện tại đã quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng do lượng phương tiện lưu thông qua cầu tăng cao từng năm. Công trình đã được khởi công xây dựng hồi đầu năm 2022 và nay không chỉ được người dân đất Đồng Khởi trông mong mà cả người dân Trà Vinh, Sóc Trăng... cũng đang trông đợi ngày hoàn thành.
Ông TRẦN NGỌC TAM, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:
Nhiều khu công nghiệp đón đầu dự án cầu Rạch Miễu 2 Để khai thác tối đa hiệu quả từ các công trình giao thông trọng điểm (cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Rạch Miễu 2…) mang lại, hiện tỉnh Bến Tre đã đề xuất quy hoạch 5.300ha đất làm khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sạch, du lịch ở dọc hai bên tuyến đường dẫn vào cầu Rạch Miễu 2.
Trước đó, tỉnh đã xây dựng nhiều khu công nghiệp dọc quốc lộ 60 như Khu công nghiệp Giao Long trên 100ha; khu công nghiệp An Hiệp 72ha và sắp tới là khu công nghiệp Phú Thuận với diện tích 231ha, tổng mức đầu tư trên 2.126 tỷ đồng.
Ông LÂM MINH THÀNH, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:
Tăng khả năng kết nối giao thông Tỉnh Kiên Giang vừa ký ban hành đề án tổng thể phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó quan trọng nhất là yếu tố giao thông. Trong đề án phát triển hạ tầng giao thông, Kiên Giang xác định phải tăng khả năng kết nối cao tốc với các tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, TPHCM.
Cụ thể, nâng cấp tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi lên thành bê tông nhựa nóng. Nâng cấp đường ven biển của tỉnh, đường hành lang ven biển phía Nam về Cà Mau và đường N1 từ Giang Thành qua An Giang… để tạo đà cho kinh tế phát triển. Nếu giao thông thuận lợi, nhanh chóng thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đổ vốn về miền Tây. Hàng triệu lao động sẽ không phải xa quê nhà để kiếm sống.