'Quả ngọt' về tiếng Anh và nghiên cứu khoa học
Từ việc định hướng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học và thực hiện chương trình giáo dục STEM, học sinh TP.HCM đã có những thành tích vượt trội
LTS: Trải qua 50 năm, TP.HCM đã khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhiều chiến lược sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế đã được triển khai và đem lại thành tựu.
Những thành tựu này không chỉ đánh dấu bước chuyển mình vượt bậc, mà còn góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đưa TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong thời gian tới.
TP.HCM là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai chương trình giáo dục STEM (mô hình tích hợp kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học gắn với ứng dụng thực tiễn). Bên cạnh đó, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cũng đã đem lại những thành tích vượt trội.
Khơi đam mê nghiên cứu khoa học từ giáo dục STEM
Vào tháng 5 tới, hai học sinh lớp 11 chuyên tin - Nguyễn Tấn Đức và Hà Nhật Bảo (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) sẽ đại diện Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2025 tại Mỹ.

Dự án nghiên cứu của Nguyễn Tấn Đức và Hà Nhật Bảo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ảnh: NQ
Dự án “Ứng dụng học sâu trong sáng tác nhạc tự động định hướng bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử” của các em là đề tài duy nhất của TP.HCM và nằm trong 12 dự án đoạt giải nhất tại cuộc thi nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp quốc gia năm học 2024-2025.
Hiện cả hai đang tiếp tục phát triển mô hình với kỳ vọng tạo ra bản nhạc đờn ca tài tử hoàn chỉnh bằng công nghệ AI.
“Chúng em muốn tận dụng công nghệ để quảng bá văn hóa dân tộc mình ra thế giới” - Nhật Bảo chia sẻ.

Học sinh tham dự ngày hội giáo dục STEM do Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức tổ chức. Ảnh: NQ
Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường tham gia cuộc thi NCKH quốc gia, quốc tế từ những năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức và luôn đạt được thành tích cao.
TP.HCM có cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Như năm ngoái, dự án nghiên cứu về lĩnh vực phần mềm hệ thống do HS trường thực hiện đã đoạt giải nhì trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế được tổ chức tại Mỹ. Đây là giải cao nhất HS Việt Nam đạt được sau 12 năm tham dự.
Còn tại Trường THCS Vân Đồn (quận 4), Hiệu trưởng Lê Thị Thùy cho biết năm học này, trường có một dự án đoạt giải triển vọng cấp quốc gia với nội dung “Giải pháp can thiệp hỗ trợ tâm lý HS có biểu hiện lo âu, trầm cảm bằng trò chơi và cẩm nang sức khỏe”.
Ngoài thế mạnh về NCKH, TP.HCM luôn gây ấn tượng về kết quả trong các cuộc thi Olympic trong nước và quốc tế. Mới đây, HS Lê Phan Đức Mân (lớp 12 chuyên toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) là đại diện duy nhất của TP.HCM và các tỉnh phía Nam được lọt vào 37 HS thi Olympic quốc tế năm 2025 ở môn toán.
Theo các giáo viên, nhà quản lý giáo dục, thành tích nổi bật của HS TP.HCM trong NCKH những năm gần đây có đóng góp không nhỏ từ việc đẩy mạnh giáo dục STEM.
Dẫn đầu cả nước về thành tích dạy và học ngoại ngữ
Một trong những thành tích ấn tượng của GD&ĐT TP.HCM những năm gần đây là dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường ở bậc tiểu học và thí điểm từ những năm 1998. Sau đó, mở rộng lộ trình đến toàn cấp học trong toàn TP với nhiều loại hình khác nhau để phụ huynh lựa chọn.

Học sinh thực hành với giáo viên người nước ngoài trong giờ tiếng Anh tích hợp. Ảnh: KB
Đặc biệt, trong 10 năm qua, TP đã mạnh dạn triển khai đề án «Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” và đạt được nhiều kết quả cao. Số lượng HS theo học tăng lên gấp 50 lần với hơn 30.000 em ở 160 trường sau 10 năm.
Ở nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế, thành tích về tiếng Anh của HS TP.HCM luôn vượt trội. Cụ thể, tám năm liên tiếp vừa qua TP.HCM dẫn đầu cả nước về điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng năm 2024, điểm trung bình môn này đạt 6,73.
Trong kỳ thi lấy chứng chỉ phổ thông quốc tế Pearson Edexel mới đây, hơn 3.000 thí sinh toàn cầu dự thi nhưng một nữ sinh TP.HCM được thuộc nhóm 54 HS có điểm toán cao nhất thế giới ở cấp THCS…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết những kết quả này cho thấy TP.HCM có cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Hiện Sở GD&ĐT đang xây dựng dự thảo tiêu chí và dự kiến triển khai thí điểm từ năm học tới.•
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:
4 giải pháp đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Kết luận số 91 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo rõ việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam. Đây là một mục tiêu quan trọng, mang tính chiến lược, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Có bốn giải pháp để TP.HCM từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Một là xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích HS sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Hai là trường học đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh. Ba là các đơn vị nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cuối cùng, ngành GD&ĐT tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thực hiện thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:
Nghị quyết 57 tạo xung lực mới cho giáo dục STEM
Giáo dục STEM mang lại những tác động tích cực đáng kể đến hoạt động giáo dục trong trường phổ thông ở TP.HCM. Đặc biệt, hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần NCKH thế hệ trẻ. Hiệu quả từ mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Dù mang lại nhiều lợi ích trong việc khơi dậy đam mê khoa học và phát triển năng lực tư duy của HS, việc triển khai giáo dục STEM tại TP.HCM hiện vẫn đối mặt với không ít trở ngại.
Một trong những thách thức lớn là đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy STEM, đặc biệt là kỹ năng tích hợp kiến thức giữa các môn học. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm tra, đánh giá chưa đồng bộ giữa chương trình chính khóa và các hoạt động STEM, gây khó khăn trong việc triển khai hiệu quả.
Nhiều trường học còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, trải nghiệm thực tế - vốn là phần cốt lõi của giáo dục STEM. Áp lực “thi gì học nấy” khiến giáo viên và HS ít tập trung vào việc thực hiện mô hình. Ngoài ra, sự liên kết giữa nhà trường với các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp vẫn còn rời rạc, thiếu tính hệ thống.
Để khắc phục, ngành giáo dục TP.HCM xác định sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, xây dựng ngày hội STEM để giáo viên có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời mở rộng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, trường ĐH và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tính thực tiễn của hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, Nghị quyết 57 mới được Bộ Chính trị ban hành sẽ tạo xung lực mới cho giáo dục STEM. Với định hướng phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, giáo dục STEM tại TP.HCM sẽ có điều kiện thuận lợi để bứt phá, giúp HS trang bị kiến thức ứng dụng, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thích ứng với tương lai số.
Kỳ tới: Bùng nổ đào tạo các ngành công nghệ cao